2 thg 3, 2012

Lịch sử nghìn năm dưới nền đất Hoàng thành

Lần đầu tiên kể từ khi khai quật (năm 2003), bí mật dưới nền đất khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã được giới thiệu toàn diện tới người dân. Nhiều hiện vật thời Lý, Trần vẫn còn nguyên vẹn, khiến khách tham quan trầm trồ, thích thú.

Di tích Hoàng thành Thăng Long lần đầu mở cửa đón khách tham quan sáng 2/10.
Các lớp kiến trúc thời Lê và Trần nằm chồng xếp lên nền kiến trúc thời Lý và phía dưới kiến trúc Lý là kiến trúc thời Đại La. Tầng đất đắp tôn nền của kiến trúc thời Lý ở đây được phân tích là đất sét đồi núi mang từ nơi khác đến.
Sự phong phú đa dạng của các loại hình di tích (nền nhà, móng trụ, cống nước, cột gỗ…) xuất lộ trong cùng vị trí với nhiều niên đại khác nhau.
Dấu vết nền móng của hai công trình kiến trúc thời Lý ( thế kỷ 11-12) gồm kiến trúc hành lang có 3 hàng cột và kiến trúc lớn nhiều gian có 7 hàng cột nằm song song theo chiều Đông - Tây, được kết nối bằng sân gạch ở giữa.
Móng tường này còn khá nguyên vẹn, chiều dài hiện còn 27,7m, rộng 2,7m cho thấy đây là bức tường có quy mô lớn, được xây dựng rất vững chắc.
Giếng nước hình tròn sâu 5,9m, vẫn có nước trong vắt, nằm sát móng tường, được xây bằng loại gạch màu xám theo kỹ thuật truyền thống Trung Hoa. Đây là bằng chứng sinh động về lịch sử của thời kỳ Đại La tại khu vực. Đáng chú ý trên miệng giếng có sự gia cố xây thêm một hàng gạch nghiêng màu đỏ thời Lý cho thấy nó tiếp tục được tái sử dụng vào giai đoạn sau khi nhà Lý dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về định đô ở Thăng Long từ mùa thu năm Canh Tuất (1010).
Còn đây là dấu tích giếng nước xây bằng loại gạch vồ thời Lê Sơ đào cắt phá qua hệ thống cống và nền kiến trúc thời Lý, Trần.
Thềm nhà, chân gạch và hệ thống chân tảng đá kê cột còn nguyên vị trí ban đầu cùng nhóm di vật đặc sắc tìm thấy trong lòng kiến trúc ở đây thấy rõ quy mô, kỹ thuật xây dựng và vẻ đẹp của các loại ngói, phù điêu trang trí trên mái cung điện thời Lý rất công phu, tráng lệ.
Giếng nước độc đáo thời Trần có niên đại thế kỷ 13-14, được xây xếp bằng gạch hình văn xương cá.
Hệ thống đường cống nước hoàn chỉnh xây bằng loại gạch chuyên dụng ( hình thanh, hình bình hành) cùng dấu tích con đường đi bằng gạch kết nối giữa các công trình ở phía Đông và Tây.
Phía nam của giếng nước này là dấu tích móng tường bao thời Lý bằng sỏi. Đây là bức tường phân chia không gian Hoàng cung giữa khu vực phía Bắc và Nam của Cấm thành Thăng Long thời Lý.
Song song với móng tường bao này là đường cống thoát nước thời Lý được xây gạch rất hoàn chỉnh cùng hệ thống nền móng của tổ hợp công trình kiến trúc Lý có quy mô lớn.
Hệ thống 11 móng trụ của kiến trúc lầu lục giác xếp hình bông hoa 6 cánh. Tại vị trí này còn có dấu tích hồ nước được đào vào thời Trần xen cắt các kiến trúc Lý và minh chứng điều sử cũ ghi về việc đào ao thả cá trong Cấm thành Thăng Long là xác thực.

Hệ thống đường cống nước hoàn chỉnh xây bằng loại gạch chuyên dụng ( hình thanh, hình bình hành) cùng dấu tích con đường đi bằng gạch kết nối giữa các công trình ở phía Đông và Tây.
Đây là kiến trúc nhà dài có quy mô to lớn gồm 11 gian 2 chái, kết cấu 6 hàng cột, có diện tích xuất lộ là 1.166m2 nằm theo chiều Bắc - Nam. Trong lòng kiến trúc Lý lại thấy rõ dấu tích một nền kiến trúc thời Trần được xây bao bằng gạch ngói xếp hình hoa chanh rất đặc trưng nằm chồng xếp lên kiến trúc Lý.
Kiến trúc 6 hàng cột quy mô to lớn nhưng đều là cột âm chôn sâu xuống lòng đất tạo nên sự khác biệt và phản ánh trình độ kỹ thuật xây dựng rất cao.
Di vật ngói lợp và phù điêu trang trí mái Cung điện Lý cho thấy sự độc đáo, hoa lệ của Hoàng thành Thăng Long.
Khu hiện vật lịch sử khai quật với mái che kiên cố đảm bảo thuận lợi cho du khách tham quan.

Hoàng Hà

nguồn: VNexpress.net
=============================
đăng bởi: e.whoiswho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

rất mong được sự góp ý của các bạn, kiến thức là vô hạn...!!!

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...