5 thg 3, 2012

Béo - bùi - dẻo xôi trứng kiến

TTO - Mùa xuân cũng là mùa hát hội của vùng Lục Ngạn (Bắc Giang). Cùng với những làn điệu soong hao, sli, lượn dặt dìu là các món ăn dân dã mang đậm bản sắc dân tộc như lợn quay, khâu nhục… nhưng với tôi ấn tượng nhất có lẽ là món xôi trứng kiến.

Trứng kiến

Xưa nay, người dân miền núi và trung du tỉnh Bắc Giang vẫn dùng trứng kiến để ăn và chúng được xem như nguồn thực phẩm bổ dưỡng, ngon và chữa bệnh hiệu quả.
Theo kinh nghiệm dân gian, có nhiều loài kiến trong rừng, nhưng chỉ có một loài có thể ăn được trứng. Loài kiến này to gấp ba, bốn lần những loài kiến ta thường gặp, có thân màu nâu (từ đầu đến ngực), riêng bụng có màu đen, chuyên sống và làm tổ trên cây.
Quan sát nhưng chẳng ai thấy kiến chúa bao giờ và cũng chẳng biết chúng sinh hoạt ra sao, chỉ biết chúng thường làm tổ trên những chạc cây không cao lắm. Tổ bé thì bằng cái tô, to bằng ấm hãm nước uống. Tổ được kết từ lá khô mục, gió rung không rụng, mưa xối không ướt. Từng đàn kiến ra vào trong trật tự, không cắn nhau mà cũng chẳng tranh giành.
Sang xuân kiến vào mùa sinh sản, nhưng thật sự mùa trứng kiến chỉ từ tháng ba đến tháng tư âm lịch. Tiết trời ấm áp, cây cối xanh tươi, khi những hạt trứng li ti lớn dần trong tổ, to bằng hạt gạo là lúc người dân thu lượm mang về. Dụng cụ là một chiếc rá to được buộc cán dài hơn sải tay, thân cán buộc túm hoa cỏ tranh để kiến không theo cán mà bò vào người.
Tổ kiến được lấy xuống đặt vào miệng rá rồi đập liên tục cho trứng kiến rơi vào lòng rá. Động tác càng nhanh càng tránh nguy cơ kiến cướp trứng mang đi. Một tổ kiến bình thường thu khoảng một bát ăn cơm trứng, tổ to thì hơn. Khi đã được lưng rá đem về nhà phải tiếp tục vài công đoạn nữa mới có thể đem trứng kiến chế biến thành món ăn ngon.
Đầu tiên là sàng sảy cho hết lá cây và tạp chất từ tổ kiến. Sàng sảy kiến phải nhẹ nhàng để tránh vỡ trứng, nát trứng. Khó hơn, khi những con kiến già không chịu rời trứng, phải lấy khăn mặt khô lau lướt qua lại nhiều lần trên mặt nia cho chúng bám vào rồi đem chỗ khác giũ sạch… Cứ thế nhiều lần, kiến già sẽ hết. Cẩn thận hơn, có thể bỏ trứng kiến vào chậu nước sạch, ấm đãi thêm lần nữa để kiến già và tạp chất nổi lên, hớt đi và có mẻ trứng kiến an toàn vệ sinh thực phẩm tuyệt đối.

Xôi trứng kiến

Có nhiều món làm từ trứng kiến nhưng thông thường người dân sử dụng trứng kiến để đồ xôi. Món xôi trứng kiến được làm từ gạo nếp nương, có thêm mỡ, hành và hạt tiêu, gia vị.
Cách làm món xôi trứng kiến đơn giản, không khó khăn lắm. Lấy gạo nếp vo sạch, đem ngâm trong nước ấm chừng 4-5 giờ, sau vớt ra để cho gạo ráo nước rồi cho vào chõ đồ. Khi thấy có mùi thơm của xôi, nếm vào miệng thấy dẻo, hạt gạo mềm, mọng là xôi được.
Trứng kiến sau khi đã làm sạch, để ráo nước. Hành củ phi thơm trong mỡ già rồi cho trứng kiến vào xào, nêm gia vị cho vừa ăn. Đảo đều, khi thấy dậy mùi thơm béo của trứng kiến và mùi thơm của hành là được. Khi xôi chín tới, xới ra đánh tơi. Trộn đều với trứng kiến đã sao vàng rồi cho ra đĩa, rắc một chút hành củ phi vàng lên trên, ăn nóng.
Món xôi trứng kiến sau khi làm xong có vị béo của mỡ hành, bùi bùi của trứng kiến, dẻo thơm của xôi nếp. Khi ăn nghe tiếng trứng kiến nổ lép bép trong miệng mới thấy hết cái thú vị của món ăn này. Bất kỳ ai một lần được thưởng thức xôi trứng kiến cũng sẽ nhớ mãi.
NGÔ THU HƯỜNG

.
=============================
đăng bởi: e.whoiswho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

rất mong được sự góp ý của các bạn, kiến thức là vô hạn...!!!

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...