9 thg 9, 2011

Đồng Nai: Tuyến du lịch (2)

Đồng Nai
các tuyến du lịch 


TUYẾN DU LỊCH VĨNH CỬU – THỐNG NHẤT
TUYẾN DU LỊCH ĐỊNH QUÁN – TÂN PHÚ
TUYẾN DU LỊCH LONG KHÁNH – XUÂN LỘC
TUYẾN DU LỊCH LONG THÀNH – NHƠN TRẠCH
TUYẾN DU LỊCH SÔNG ĐỒNG NAI – BIÊN HÒA





TUYẾN DU LỊCH VĨNH CỬU – THỐNG NHẤT
Tuyến này bao gồm các điểm du lịch đáng chú ý sau: Khu du lịch Bắc Sơn, Thác Đá Hàn, Câu lạc bộ Làng Thôn Sông Mây, Hồ trị An.

1. Thác đá hàn:

Điểm du lịch sinh thái Thác Đá Hàn cách Quốc lộ 1 khoảng 6 cây số về phía Bắc, thuộc địa phận ấp 5, xã Sông Trầu, huyện Thống Nhất.

Rất nhiều cây xanh bao quanh dòng thác sông Trầu đổ từ trên cao xuống tung bọt trắng xóa, tạo cho quang cảng một vẻ trữ tình đặc biệt. Đây là điểm du lịch phù hợp với giới trẻ, học sinh, sinh viên và công nhân viên đến đây để nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn sau những ngày học tập, lao động vất vả.

2. Huyền thoại thác trị an:

Thác Trị An nằm cách thành phố Biên Hòa 30 km theo đường 24, có bề ngang rộng 300mét với dòng chảy xiết giữa đôi vách đá xám phủ cây xanh rậm rạp.

Vào mùa khô, những tảng đá to lộ ra gần như có thể lội bộ từ bờ này sang bờ khác; nhưng vào mùa mưa, thác xoáy gầm thét, bọt nước phủ đầy sóng cuốn theo dòng các thân cây nguyên vẹn bứng ở ven bờ. Thác Trị An hùng vĩ giữa thiên nhiên nhưng lại gắn liền với một huyền thoại diễm tình truyền từ bao đời nay.

Ngày nay ta còn thấy một hòn đá cao vài mét có dáng thiếu phụ ngồi nhìn xuống dòng nước xiết, gọi là Hòn vọng phu. Chỗ đá lấp sông chính là thạch thất thang, sau này ông Sâm là người đầu tiên tới sinh sống nên còn gọi là Hàn ông Sâm.

3. Khu du lịch đảo ó – đảo đồng trường:

Nói đến Trị An chúng ta nghĩ ngay đến công trình thủy điện hình thành từ đầu năm 1980. Dòng nước từ cao nguyên đổ về được ngăn lại thành một hồ rộng mênh mông với những hòn đảo như những viên ngọc trên mặt nước. Trong đó Đảo ó (2,1ha)- Đảo Đồng Trường (22ha) là hai hòn đảo liền kề nhau như đôi bạn tâm giao trong phong cảnh "sơn thủy hữu tình".

Khu du lịch Đảo ó - Đảo Đồng Trường cách TP.HCM 65km, cách Biên Hòa 30 km theo đường Quốc lộ. Tại đây điểm dừng đầu tiên là nhà hàng Đồng Trường. Từ đó du khách có thể dùng canô hoặc thuyền (mất khoảng 15 - 20 phút) để đặt chân lên Đảo Ó.

Tại đây có một số công trình vui chơi, giải trí và ăn uống như nhà hàng có sức chứa từ 300 đến 500 khách, trò chơi môtô nước, cầu trượt nước, bãi tắm nhân tạo, khu cắm trại và vườn cây ăn trái.

Đây là điểm du lịch lý thú, đầy ấn tượng cho du khách, đặc biệt dành cho những người yêu thích thiên nhiên.

4. Di tích căn cứ khu ủy miền đông (chiến khu D):

Thuộc địa phận Lâm trường Hiếu Liêm, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu. Chiến khu Đ là căn cứ kháng chiến nổi tiếng ở miền Đông Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc Việt Nam.

Chiến khu Đ là nơi ra đời kỹ thuật đặc công và lực lượng đặc công đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày nay trong phạm vi chiến khu Đ có 3 di tích lịch sử : địa đạo Suối Linh, Căn cứ Khu ủy Miền Đông và là nơi thành lập đầu tiên Trung ương cục Miền Nam (1961).

Ngày nay, di tích Chiến Khu Đ là di tích quốc gia, là niềm tự hào, là biểu tượng truyền thống cách mạng kiên cường của người Đồng Nai và của cả Miền Đông Nam Bộ.



TUYẾN DU LỊCH ĐỊNH QUÁN – TÂN PHÚ
1. Đá ba chồng:

Đá Ba Chồng nằm giữa khu vực dân cư sầm uất của huyện Định Quán, cạnh Quốc lộ 20. Sau hàng triệu năm dãi dầu mưa nắng, ba lần ngâm mình dưới biển khi biển tràn vào, chứng kiến hàng trăm ngọn núi lửa hoạt động dữ dội, Đá Ba Chồng như ba tảng đá xếp chồng lên nhau khá chênh vênh vẫn đứng đó, tạo ra một cảnh quan hùng vĩ.

Cạnh đá Ba Chồng là hai quả núi Bạch Tượng hình dáng giống như đôi voi phục. Trên đỉnh núi là tượng Phật Thích Ca cao hơn 20m ngự trên đài sen. Dưới chân núi Bạch Tượng còn có hang sâu và chùa Thiện Chơn, đối diện là Hòn Dĩa, xa hơn một chút là hòn Sư Tử.

Đá Ba Chồng thuộc nền văn hóa óc- Eo – Phù Nam ở thềm cao nguyên Đông Nam Bộ, đã được Bộ Văn Hóa Thông Tin xếp hạng năm 1988.

2. Khu du lịch thác mai – hồ nước nóng:

Bắt nguồn từ cao nguyên Langbian, sông La Ngà uốn lượn qua nhiều vùng đồi núi chập chùng, vượt bao ghềnh bãi, để rồi hòa vào dòng nước con sông lớn Đồng Nai. Thác Mai là một trong những thắng cảnh cuả sông La Ngà trên con đường hợp dòng gian nan ấy.

Muốn đến thác Mai, từ km 112 trên quốc lộ 20, du khách hãy rẽ phải theo con đường quanh co giữa vùng rừng Tân Phú khoảng 20 cây số. Thác Mai trải dài trên đoạn sông hơn 4 cây số, như con rồng uốn mình đùa giỡn với biển nước. Một quần thể đá được tạo dáng với bao hình thù kỳ thú nối dài, trải rộng hai bên bờ và kết nối giữa dòng nước. Hai bên bờ sông có nhiều hang động với những hòn đá chông chênh tạo cho khung cảnh thêm hoang sơ, huyền bí.

Muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp thượng nguồn của thác, du khách có thể trèo lên đỉnh hòn Voi Phục: một hòn đá khổng lồ hình con voi đang nằm giữa sông. Từ trên lưng hòn Voi Phục phóng tầm nhìn ra bốn hướng, du khách mới chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp hùng vĩ của dòng thác: nước réo rắt, đá liên hoàn nhấp nhô, cây cối xanh thẳm… Vào mùa trái chín, du khách còn có thể nhấm vị của hoa quả rừng như xoài, ổi, trường,... hoặc bám vào rễ dây cây cổ thụ nào đó để đu đưa thỏa thích. Đặc biệt đúng vào độ nở hoa, hai bên sông tím màu hoa bằng lăng và màu vàng của hoa mai.

Trong địa phận Lâm trường Tân Phú, trên đường vào thác Mai còn có suối Đá Bàn, nơi lưu dấu vết bàn tay người khổng lồ gắn liền với chuyện tình kể về dũng sĩ Knhút nghĩa hiệp của dân tộc Mạ . Bàu nước nóng thiên nhiên gần đó, với nhiệt độ từ 50oc đến 60oC, trữ lượng lớn, rất có lợi cho sức khỏe con người.

Thác Mai là một điểm du lịch hấp dẫn về sinh thái, hài hòa giữa thiên nhiên và tâm hồn phóng khoáng của con người.

3. Thác ba giọt:

Điểm du lịch sinh thái Thác Ba Giọt nằm trên sông La Ngà, cách Quốc lộ 20 gần 8 cây số, thuộc xã Phú Vinh, huyện Định Quán, là một vùng có địa hình đẹp, diện tích khoảng 20km với các khu vực vui chơi giải trí trên mặt hồ và sông nước.

Vị trí địa lý thuận lợi, địa hình đẹp và môi trường cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, Thác Ba Giọt đang chờ đợi đầu tư để trở thành Khu du lịch sinh thái lý tưởng.

4. Vườn quốc gia Cát Tiên:

Vườn Quốc Gia Cát Tiên, với diện tích 74.320ha, thuộc xã Đaklua, huyện Tân Phú, là một trong những vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam, được UNESCO công nhận là khu sinh quyển của thế giới.

Cát Tiên cũng là đô thị tôn giáo của Vương quốc cổ Phù Nam (thế kỷ thứ hai sau Công nguyên) với nền văn hóa óc Eo nổi tiếng. Nơi đây là một bảo tàng tự nhiên có ý nghĩa quốc tế về khoa học và văn hóa, là nơi còn lưu giữ hệ động thực vật của rừng nhiệt đới cực kỳ quí giá.

Thực vật có 636 loài thuộc 411 chi của 192 họ, trong đó có nhiều loại quý hiếm. Về động vật, có 208 loài chim, 57 loài thú, 10 loại bò sát, 121 loài côn trùng và rất nhiều loài quý hiếm đang được quan tâm bảo vệ như báo gấm, báo hoa mai, sói đỏ, sóc bay, vộc ngũ sắc, tê giác một sừng, bò tót, gấu chó, hạc cổ trắng, công xanh.

Đa dạng về sinh cảnh và chủng loại động thực vật, Vườn Quốc Gia Cát Tiên là khu du lịch sinh thái độc đáo với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú : Bàu Chim, Bàu Sấu, Suối Tiên, Thác Trời, rừng phong lan, cây cổ thụ ngàn tuổi,.. Các nhà khoa học, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên, sinh viên học sinh và du khách bốn phương đã tìm thấy ở đây nhiều kiến thức, bài học lý thú và những cảm giác hiếm có, khó quên.

5. Suối mơ:

Khu du lịch Suối Mơ nằm trên địa phận xã Trà Cổ, huyện Tân Phú. Suối Mơ là một hồ tắm thiên nhiên với cảnh quan còn đậm chất hoang sơ, đặc biệt là nguồn nước trong xanh như ngọc, không bao giờ cạn và là một điểm hẹn lý tưởng vào mùa hè.

Nhiều nhà hàng mini nằm cạnh hồ phục vụ du khách các món ăn đặc sản. Trên bờ là vườn cây ăn trái xanh tươi cho trái ngọt quanh năm. Suối Mơ đã được Uỷ Ban Tỉnh quy hoạch trở thành khu du lịch sinh thái.

6. Hồ Đa Tôn:

Hồ Đa Tôn thuộc xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú, là điểm du lịch sinh thái với quần thể núi đồi, ghềnh thác hữu tình.

Đến với Hồ Đa Tôn, du khách có thể đi thuyền máy trên sông, thưởng thức các món ăn đặc sản, cắm trại hay picnic.

Đây là một điểm du lịch, vui chơi giải trí cuối tuần.

7. Thác Hoà Bình:

Thác Hòa Bình nằm cạnh Chùa Linh Phú (Km 140 - Quốc lộ 20, thuộc xã Phú Sơn, huyện Tân Phú ). Du khách đến đây không những được chiêm ngưỡng nét thâm nghiêm của ngôi chùa cổ kính mà còn được leo núi để ngắm dòng nước chảy, nghe tiếng chim hót, đắm mình trong không gian bao la của núi rừng yên tĩnh…

Hàng năm vào dịp lễ, tết … có hàng ngàn nam nữ thanh niên đến nơi này. Thác Hòa Bình ngoài vẻ đẹp nguyên sơ còn là nguồn nước tưới cho cánh đồng bậc thang nằm dưới chân đồi. Đứng trên đầu ngọn thác, chúng ta được ngắm nhìn phong cảnh bao la trữ tình với những ngôi nhà nhấp nhô dưới chân núi, cùng với màu xanh bao la của những vườn cây ăn trái thuộc huyện ĐaHoay (Lâm Đồng) và RôMô (huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận).



TUYẾN DU LỊCH LONG KHÁNH – XUÂN LỘC


1. Thác Trời:

Khu du lịch sinh thái Thác Trời cách trung tâm Huyện Xuân Lộc 29 km. Nơi đây là một bức tranh hùng vĩ và hoang sơ của núi rừng, nơi con sông La Ngà đổ qua nhiều bậc đá.

Hiện nay, UBND huyện Xuân Lộc đang tiến hành đầu tư vườn cây ăn trái cạnh Thác Trời với diện tích 50 ha, xây dựng điểm đi thuyền trên sông và một số trò chơi mạo hiểm cùng các dịch vụ khác để phục vụ du khách.

2. Khu du lịch núi chứa chan:

Từ TP.Biên Hòa theo quốc lộ 1 ra Hà Nội gần 80km, du khách sẽ đến với núi Chứa Chan ở Thị Trấn Gia Ray – Huyện XuânLộc.

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí viết : “…Núi Chứa Chan có thế núi chót vót, trông xuống khe Da Lao, chỗ giáp giới của hai huyện Long Khánh và Phước Binh có nhiều mây song gỗ lạt, lưng núi có động đá và giếng đá…”.

Núi Chứa Chan cao 837m với Chùa Bửu Quang (thường gọi là chùa Gia Lào) trên gần đỉnh núi là điểm du lịch thu hút nhiều du khách. Vào các dịp lễ, tết số người hành hương về đây lên đến hàng ngàn, tạo bầu không khí náo nhiệt của ngày lễ hội.

Chùa Bửu Quang được xây dựng từ đầu thế kỳ XX, với chánh điện mái vòm, toạ lạc trên một hang đá có dáng Hàm Rồng. Toàn bộ quần thể kiến trúc chùa đều dựa theo những hang động thiên nhiên, tạo nên nét độc đáo giữa chốn thâm nghiêm kỳ vĩ của núi rừng.

Suối Tiên trong vắt, nước chảy róc rách quanh năm và cây đa ba gốc thần bí ở lưng chừng núi như minh chứng thêm cho các huyền tích được truyền từ bao đời của vùng sơn cước này. Từ độ cao hơn 600 mét, phóng tầm nhìn ra xa du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên hữu tình, và lòng người sẽ cảm thấy thư thái sau chặng đường dốc lắm gian nan vất vả.

Núi Chứa Chan ngày nay còn lưu lại nhiều dấu tích hoạt động cách mạng qua hai cuộc kháng chiến của người Đồng Nai, vì đây là căn cứ kháng chiến của Huyện Xuân Lộc và chùa Bửu Hưng từng là căn cứ hậu cần, nơi trú đóng của nhiều cán bộ chiến sĩ cách mạng trong hai cuộc chiến tranh giải phóng

3. Mộ cổ hàng gòn:

Từ huyện Long Khánh đi dọc Quốc lộ 1 chừng vài km tới ngã ba Tân Phong , xã Xuân Tân (Long Khánh), tiếp tục đi theo Quốc lộ 56 về hướng Bà Rịa vũng Tàu, chỉ khoảng 3 km, du khách sẽ đến Mộ cổ Hàng Gòn. Năm 1910, người Pháp lập đồn điền cao su, phá rừng và phát hiện ra Mộ cổ Hàng Gòn.

Kích thước ngôi mộ dài 4,20m; ngang 2,70m; cao 1,60m; ghép bằng sáu phiến đá hoa cương lớn, nặng không dưới 50 tấn. Các phiến đá ghép với nhau theo hệ thống rãnh đục làm nắp và phiến đá làm đáy. Hai bên ngôi mộ có hai trụ đá hoa cương cao 7,5m với tiết diện 0,4m x1,10m và mười trụ đá cát có tiết diện hình chóp cao từ 3m đến 4,10m. Mộ cổ Hàng Gòn có kích thước to lớn khác thường nên còn gọi là mộ cự thạch (cự: to lớn; thạch: đá).

Theo các nhà khảo cổ, ngôi mộ có cách đây khoảng 2.000 năm và loại đá làm mộ chỉ có ở Đà Lạt hoặc Phan Rang. Những phiến đá nặng hàng tấn đã được vận chuyển bằng cách nào qua quảng đường hai đến ba trăm km trong điều kiện chưa có đường xá, xe cộ và phương tiện gì ?

Năm 1992, Nhà bảo tàng Đồng Nai trùng tu ngôi mộ cự thạch Hàng Gòn để bảo tồn di sản văn hóa, cũng trong năm này Bộ Văn Hóa Thông Tin công nhận và xếp hạng đây là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Người dưới ngôi mộ cổ là tổ tiên trực tiếp của người Mạ, người Chơro, hoặc người Xtiêng ở miền Đông Nam Bộ. Hiện nay Mộ cổ Hàng Gòn vẫn chứa nhiều bí mật mà các nhà khảo cổ còn chưa trả lời đầy đủ.



TUYẾN DU LỊCH LONG THÀNH – NHƠN TRẠCH
1. Làng bến gỗ:

Từ ngã ba vũng Tàu đi theo Quốc lộ 51 gần 4 km du khách sẽ đặt chân tới một vùng văn hóa trên dưới ba trăm năm tuổi : đó là làng cổ Bến Gỗ.

Không biết chính xác làng lập vào năm nào, nhưng biết chắc nơi này buôn bán gỗ, tre nứa từ rừng về Sài Gòn-Chợ Lớn. Làng Cổ Bến Gỗ bao gồm các xã An Hòa, Long Hưng, một phần xã Phước Tân (huyện Long Thành) và phường Long Bình Tân (Biên Hòa) ngày nay.

Các nhà khảo cổ nghiên cứu phát hiện Bến Gỗ chứa nhiều di vật cuả các cư dân, tộc người sinh sống trước đây khoảng 2.000 năm vào thời đại đồ đồng.

Đình An Hòa được xếp hạng di tích lịch sử và là niềm tự hào của xã Long Hưng. Đình chứa đựng nhiều công trình đồ gỗ tinh tế như các liễu đối, hoành phi; các mô tuýp truyền thống như lưỡng long triều nguyệt, cúc liên chi, mây sông nước, ngũ phủ lâm môn được thể hiện trên các đầu dư, trụ đỡ, xà ngang.

Nhà thờ Bến gỗ xây dựng năm 1932, là loại nhà thờ sớm nhất TP.Biên Hòa.

Bến Gỗ nổi tiếng về đua thuyền từ đầu thế kỷ 19. Thuyền làm bằng gỗ nhẹ dài 16 mét , rộng 1,6 mét. Đội thuyền 24 người gồm một chỉ huy, một phách nhì đánh phèng chiêng cổ vũ, một múc nước, một xà bát đứng lái, năm cặp giữa khoang, năm cặp đốc hậu. Ngày nay, truyền thống đua thuyền Bến Gỗ vẫn còn giữ được, hằng năm đều có đội đua tham dự các giải địa phương, khu vực và từng đại diện khu vực tham gia thi toàn quốc.

2. Đình thờ Phú Mỹ:

Ra khỏi thị trấn Long Thành 2km, ở ngã ba chợ Chiều mở ra con đường nhựa chênh chếch về hướng tây nam dẫn du khách đến xã Phú Hội anh hùng. Và gần đây mỗi khi về thăm Phú Hội người ta thường ghé thăm đình Phú Mỹ.

Đình Phú Mỹ cổ kính rêu phong, mái lợp ngói âm dương, náu mình dưới tán rừng cổ thụ, mang kiến trúc tiêu biểu cho đình làng Nam Bộ. Cũng tại nơi đây ghi dấu một nghĩa cử thiêng liêng của lòng dân Phú Hội.

Tháng 10/1969 được tin Bác Hồ vĩnh viễn ra đi, lòng dân Phú Hội đau như dao cắt. Trong nỗi bi thương, các Bô lão nghĩ cách tri ân Bác trước kẻ thù. Viện lý do các bức hoành phi đình Phú Mỹ bị mối mọt hư nhiều, cần được sửa chữa lại, các ông Nguyễn Văn Nương và Tám Liệt đã làm lại ba bức hoành phi mới với nội dung:

Hồ thiên nhi thiên

Chí vọng thâm ân

Minh hoài hậu đức

(Ba từ đầu câu ghép lại thành tên Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Hiện nay, ba bức hoành phi này được trưng bày tại Nhà bảo tàng Đồng Nai.

3. Chiến khu rừng sát và đền thờ liệt sĩ huyện nhơn trạch:

Rừng Sác là một vùng rừng ngập mặn hàng ngàn km vuông nằm ở phía Đông Nam tỉnh Đồng Nai, thuộc địa phận các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, ăn thông một dải với rừng Sác Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh).

Vùng rừng nay có thảm thực vật nước mặn rất phong phú với nhiều loại cây đước, da, sú, có, mắm, bần…đan níu nhau thành nhiều tầng lớp và rất lắm cá tôm.Đây là vùng địa hình sình lầy, mênh mông sông nước với hằng trăm sông lạch đan nhau chằng chịt.

Vùng Rừng Sác trở thành căn cứ địa cách mạng ngay từ những năm đầu tiên kháng Pháp. Nơi đây cũng từng là chứng tích cho các cuộc rải thảm bom B52, chất độc hóa học, các cuộc càn quét qui mô lớn với sự tham gia của nhiều binh chủng, tàu chiến và vũ khí hiện đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhưng cũng chính nơi đây đã khẳng định chân lý, niềm tin và ý chí con người là vượt lên tất cả. Từng dòng sông, con lạch, giồng đất nơi đây đều lấp lánh chiến công: Tàu quân sự của Pháp bị chìm, tàu Victory hàng vạn tấn của Mỹ cùng chung số phận, kho bom thành Tuy Hạ, Kho xăng Nhà bè bốc cháy….

625 liệt sĩ Đoàn 10 và 1.400 liệt sĩ của 12 xã huyện Nhơn Trạch đã ngã xuống tại chiến trường sôi động ác liệt này. Để tưởng nhớ công ơn và chiến tích anh hùng của cha anh, Đền thờ Liệt sĩ Nhơn Trạch được xây dựng tại xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, nơi cửa ngõ bước vào chiến khu Rừng sác năm xưa.

4. Khu di tích cù lao giấy:

Khu du lịch Cù Lao Giấy, xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch là điểm du lịch hấp dẫn du khách hiện nay. Đây là vùng sông nước miệt vườn với cây cối xanh tươi. Đúng như tên gọi, khu vực này trồng nhiều bông giấy và có cả nhà máy sản xuất giậy

Ngoài thú vui ngắm cảnh sông nước yên bình bao quanh cù lao, trò chuyện với bạn bè trong các ngôi nhà sàn mái lá, nằm võng nghỉ ngơi bên rìa bờ sông để hít thở không khí trong lành, thoáng mát... du khách còn có thể tham gia các trò chơi tại khu pinic như chèo xuồng hoặc nhảy cầu, tắm sông với phao an toàn...Du khách đến với Cù Lao giấy ngoài phong cảnh yên bình, thơ mộng còn được thưởng thức các món nướng đặc sản miệt vườn rất ngon miệng.



TUYẾN DU LỊCH SÔNG ĐỒNG NAI – BIÊN HÒA
1. Cù Lao Phố:

Từ thác Trị An chảy ra biển đông, dòng chảy sông Đồng Nai để lại nhiều cù lao lớn nhỏ trong đó ở địa phận Biên Hòa dòng chảy bỗng chia ra làm hai nhánh ôm trọn một dải đất. Đó chính là Cù Lao Phố hay còn gọi là Nông nại Đại Phố- nay là xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa với diện tích 6,93km2.
Sử sách chép : năm 1679, Tổng binh Trần Thượng Xuyên dẫn theo một đoàn người xin cư trú tại việt Nam và được Chúa Nguyễn chấp thuận cho vào đất Đông Phố (nay là Cù Lao Phố) khẩn hoang. Khi đến Cù Lao Phố, Ông đã cùng người dân địa phương xây dựng nơi đây thành thương cảng lớn. Đường xá được mở rộng, phố xá được xây dựng, chợ búa được thành lập, hàng hóa dồi dào, thường xuyên có nhiều tàu ngoại quốc lui tới buôn bán.Trong lịch sử phát triển của mình cù Lao Phố phát triển nhiều ngành nghề như : dệt chiếu, trồng dâu nuôi tằm, nghề gốm, đúc đồng, làm mộc, làm pháo, nấu mía lấy đường.
Thế nhưng cuộc chiến năm 1776 giữa Tây Sơn và Nguyễn ánh đã tàn phá đi kiến trúc phong quang của Cù Lao phố, nay không còn dấu vết. Thời kỳ hoàng kim của Cù Lao Phố đi vào dĩ vãng, hoàn thành sứ mạng của đô thị cổ, một thương cảng sầm uất nhất phương Nam.
Từ sau ngày giải phóng, người dân Cù Lao Phố đã biến cải vùng đất này thành vựa lúa lớn của Biên Hòa. ở Cù Lao Phố hiện nay còn 5 ngôi chùa, 3 tịnh xá, 11 ngôi đình, 3 ngôi miếu. Có thể nói Cù Lao Phố còn tồn tại nhiều dạng hình thức tín ngưỡng, tạo thành một cơ cấu đan xen hòa trộn lẫn nhau
2. Chùa Đại Giác:
Chùa Đại Giác nằm trên địa phận xã Hiệp Hòa (Cù lao phố), là một trong ba ngôi chùa cổ nhất ở Biên Hòa, được nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hai ngôi chùa còn lại là chùa Long Thiền (Nhơn Trạch) và chùa Bửu Phong (Trung tâm Văn hóa Du lịch Bửu Long). Chùa có kiến trúc hình chữ đinh, diện tích khoảng 1000m2 gồm 3 phần chính: chánh điện, giảng đường và nhà trù.
Chùa Đại Giác được dựng từ khoảng đầu thế kỷ XVII bởi nhà sư Thành Đẳng - một trong số những đệ tử của tổ sư Nguyên Thiều phái Lâm Tế (gốc Quảng Đông -Trung Quốc).
Năm 1779, công chúa thứ ba của vua Gia Long là Nguyễn Thị Ngọc Anh, trên đường chạy loạn quân Tây Sơn đã có thời gian trú ngụ tại chùa. Sau này, khi lên ngôi, Nguyễn ánh nhớ ơn đã ban chiếu trùng tu và phụng cúng pho tượng A-di-đà lớn bằng gỗ cao 2,56m. Vì vậy nhân dân địa phương còn gọi là chùa Phật lớn. Đến thời Minh Mạng, chùa tiếp tục được tu sửa. Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh đã cúng một bức hoành phi lớn đề ba chữ "Đại Gíác Tự" treo trước chánh điện.
Năm 1952, do ảnh hưởng lũ lụt, chùa bị xuống cấp nghiêm trọng nên đã được trùng tu lại. Tiếc thay, kết cấu cũ bị sửa đổi ít nhiều, vách ván, cột gỗ đã bị thay thế bằng tường gạch, cột bê tông.
3. Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh:
Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh thuộc địa phận xã Hiệp Hòa (Cù lao Phố).
Năm 1968, Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất Đồng Nai. Ông đã đặt tên cho đất mới là phủ Gia Định, dựng dinh Trấn Biên, chia phủ ra làm 2 huyện: Phước Long và Gia Định, đặt ra phường, ấp, xã, thôn, lập bộ đinh bộ điền và chiêu mộ lưu dân từ Ngũ Quảng vào Đồng Nai.
Mặt đền nhìn ra sông Đồng Nai theo hướng tây nam, sân đền rộng. Mặt trước đền có gắn đôi rồng chầu pháp làm bằng gốm men xanh, hai bên là cặp lân. Hàng cột mặt tiền đắp rồng cuốn mây có đôi liễn chữ nho khắc chìm vào tuờng.
Năm 1998, Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai đã xây dựng nhà bia ghi lại lịch sử 300 năm của vùng đất Biên Hòa Đồng Nai trong khuôn viên của đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Ngày 16/05 và ngày 11/01 âm lịch hằng năm, nhân dân địa phương tổ chức tế lễ, cầu cho quốc thái dân an và tưởng nhớ đế công đức to lớn của bậc tiền nhân có công khẩn hoang, xác lập nền hành chính tại vùng đất phương nam.
Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh là một di tích lịch sử-văn hóa đã được nhà nước xếp hạng
4. Di tích lịch sử Chùa Ông:
Chùa Ông thuộc địa phận xã Hiệp Hòa (Cù lao phố), thành phố Biên Hòa, cách đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh chỉ khoảng 100 mét. Trước đây Chùa là Miếu Quan Đế, ngày nay có tên chữ là Thất Phủ Cổ Miếu. Đây là ngôi chùa Hoa sớm nhất ở Nam bộ (khoảng năm 1684).
Chùa Ông được xây dựng theo kiến trúc chữ khẩu. Bên ngoài chùa là cả một công trình độc đáo các tượng gốm men xanh của thợ gốm Cây Mai (Chợ Lớn) về các đề tài như hát bội, hát tuồng, múa hát cung đình, tượng ông Nhật bà Nguyệt...Thêm vào đó, các tạo tác bằng đá ở mặt tiền chùa do thợ đá Bửu Long tạo ra đã tạo nên kiểu thức đặc trưng cho kiến trúc Minh Hương trên vùng đất Biên Hòa.
Là một cơ sở tín ngưỡng, với kiến trúc khá độc đáo, chùa Ông là điểm đến của nhiều du khách gần xa tới tham quan, nghiên cứu, chiêm bái và cầu lộc.
5. Khu du lịch làng bưởi Tân Triều:
Một địa danh nổi tiếng gắn liền với đặc sản bưởi Biên Hòa, thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu. Nơi đây có rất nhiều loại bưởi như: bưởi đường, bưởi thanh, bưởi cam, bưởi ổi…Đất Tân Triều màu mỡ phù sa, nguồn nước dồi dào nên rất thích hợp với cây bưởi phát triển nhanh, chất lượng tuyệt hảo. Bưởi tân Triều không chỉ được biết đến ở địa phương, mà cả trên toàn quốc và nhiều nước khác. Mùa thu hoạch, vườn bưởi trái trĩu cành, oằn nặng dưới các tàng cây, sà trên mặt đất, chờ tay du khách tự hái và thưởng thức vị ngọt Đồng Nai.
6. Trung tâm văn hóa du lịch Bửu Long:
Chỉ cách trung tâm thành phố Biên Hoà 6 km, Khu du lịch Bửu Long và hồ Long Ẩn như một bức tranh thu nhỏ của vịnh Hạ Long: các vách đá soi bóng trên mặt nước hồ trong xanh tạo ra một quang cảnh hấp dẫn của thiên nhiên mỹ lệ: núi cao, hồ rộng, hài hoà với các công trình kiến trúc nghệ thuật mang dấu ấn tôn giáo của nhiều thời đại.
Ðến Bửu Long, du khách sẽ được du ngoạn trên mặt hồ bằng tàu thủy, hoặc pédallo thiên nga, tham gia cuộc chơi leo núi thể thao, cắm trại trong vườn cây râm mát và thưởng thức nhiều món ăn đặc sản.
Cạnh hồ là hai ngọn núi thấp, trên núi Bửu Long có chùa cổ Bửu Phong nổi tiếng nằm thấp thoáng sau cây bồ đề lớn; có Thiên Hậu Miếu cổ kính; có hang đá Long Sơn Thạch Ðộng hình dạng giống hàm ếch với nhiều nhũ đá rủ xuống đầy vẻ huyền bí. Sau khi tham quan hồ, leo núi vãn cảnh chùa, vui thú với các trò chơi trên mặt nước, du khách còn có thể kết hợp về thăm làng bưởi Tân Triều nổi tiếng, tham quan làng nghề đục đá truyền thống Bửu Long mang dấu ấn nghệ thuật điêu khắc cuối thế kỷ 17 ở ngay chân núi.
Trung tâm Văn Hoá Du Lịch Bủu Long và chùa cổ Bửu Phong là hai di tích xếp hạng quốc gia.
Bửu Long với hồ Long Ẩn là nơi hấp dẫn khách du lịch dã ngoại tìm đến thiên nhiên trong một ngày nghỉ thư giãn



7. Văn miếu Trấn Biên:
Năm 1715, Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Trấn thủ Nguyễn Phan Long và Ký Lục Phạm Khánh Đức chọn thôn Tân Lại, tổng Phước Vĩnh (nay là phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) để xây dựng Văn miếu Trấn Biên, có vai trò như một trung tâm văn hóa - giáo dục của vùng đất này.
Văn miếu Trấn Biên là văn miếu đầu tiên ở Nam Bộ. Theo thuật phong thủy, nơi xây dựng văn miếu là chỗ đất tốt. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi rõ :”phía Nam trông ra sông Phước Giang, phía bắc dựa vào núi Long Sơn, là một cảnh đẹp nhất ở Trấn Biên”. Văn miếu đã trùng tu hai lần vào năm 1794 và 1852.
Hàng năm, vào ngày đinh mùa xuân và mùa thu, đích thân chúa Nguyễn đến Văn miếu Trấn Biên để hành lễ. Sau năm 1802, vua Nguyễn ủy nhiệm cho quan Tổng trấn thành Gia Định, Tổng trấn Biên Hòa và quan Đốc học hàng năm đến đây hành lễ thay nhà vua.
Năm 1861, Văn Miếu bị thực dân Pháp tàn phá hoàn toàn khi đánh chiếm Tỉnh Biên Hòa.
Năm 2002, Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng lại trên nền Văn miếu xưa thuộc phường Bửu Long, Thành phố Biên Hòa, cách trung tâm thành phố khoảng 3km, gần Trung tâm Văn hóa Du lịch Bửu Long. Văn miếu ngày nay là nơi thờ phụng các danh nhân văn hóa Việt Nam và Nam Bộ, bảo tồn và ghi danh các đơn vị, cá nhân có thành tích cao, là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa và lễ hội dân tộc.
8. Toà nhà lầu của ông phủ Võ Hà Thanh:
Qua cổng chính Khu du lịch Bửu Long (đường 24), du khách sẽ đến được nhà ông phủ Thanh - tòa nhà nổi tiếng được xây dựng cách nay hơn ba phần tư thế kỷ theo lối kiến trúc Pháp.
Võ Hà Thanh sinh năm 1876 xuất thân từ một gia đình nghèo ở Quảng Ngãi, theo cha vào Biên Hòa từ khi còn nhỏ. Sinh thời, ông làm đủ mọi nghề để sinh sống: làm thuê, mở hầm khai thác đá, làm nghề xây dựng, lập đồn điền cao su… và dần dần trở nên giàu có, trở thành chủ đồn điền lớn của Tỉnh Biên Hòa, trở thành đốc phủ sứ và được chính phủ Pháp tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh đệ ngũ đẳng.
Tòa nhà được xây dựng năm 1922, hoàn thành năm 1924, có cấu trúc tương tự tòa bố Biên Hòa và là tư gia lớn nhất tỉnh Biên Hòa thời bấy giờ, với vật liệu xây dựng toàn bộ đặt mua từ Pháp được chở về bằng tàu biển. 
Năm 1947, Võ Hà Thanh qua đời, con cháu lập khu lăng mộ với kiến trúc đá có tính nghệ thuật cao, nằm ngay trên đường vào khu Văn Miếu Trấn Biên. 
Đến thăm tòa nhà của ông Phủ Thanh, du khách hãy quá bộ đến khu lăng mộ để hiểu thêm về một người xuất thân từ tầng lớp lao động nghèo, phiêu bạt và đã gầy dựng sự nghiệp lớn lao như thế nào.
9. Làng gốm Tân vạn – Hóa An”:
Theo quốc lộ 1A, du khách từ hướng Thành phố Hồ Chí Minh tới đầu cầu Đồng Nai rồi rẽ trái, đi thêm khoảng 1km thì tới làng gốm Tân Vạn.
Lò gốm đầu tiên ở Tân Vạn xây dựng năm 1878, sau đó hình thành làng nghề chuyên làm lu, hũ cung cấp cho dân cư hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long và một số nơi làm nghề nước mắm như Bình Thuận, Phú Quốc.
Các sản phẩm gốm mỹ nghệ Biên Hòa từ thời ấy đã triển lãm ở nhiều nước, được tặng nhiều huy chương, bằng khen danh dự ở Pháp, Nhật, Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Réunion. Biên Hòa cũng là nơi khai sinh gốm mỹ nghệ hiện đại (năm 1963) với cha đẻ là cựu giáo sư Lê Bá Đáng của trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa.
Ngày nay, các phường Tân Vạn, Bửu Hòa, xã Hóa An có gần 100 xưởng gốm mỹ nghệ lớn nhỏ. Gốm mỹ nghệ Biên Hòa chỉ trong ba phần tư thế kỷ đã lan tỏa thành gốm Bình Dương, gốm thành phố Hồ Chí Minh, gốm Vĩnh Long và đi khắp nơi góp phần tô điểm thêm cái đẹp cho đời.
10. Đền thờ Nguyễn Tri Phương:
Nguyễn Tri Phương là một dũng tướng mưu trí thao lược cuối thế kỷ 19, cũng là người có công trong việc lập đồn điền, khai hoang lập ấp ớ các tỉnh Nam Bộ. Sau khi ông mất, để tỏ lòng ngưỡng mộ và thương tiếc vị anh hùng, nhân dân Biên Hòa đã xây ngôi đền thờ tại làng Mỹ Khánh, dinh Trấn Biên (nay là phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa). Đền đã được Bộ VH-TT công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1992.
Vào các ngày lễ, nhân dân nhiều địa phương tụ họp về đây để dâng hương cầu phúc. Hàng năm vào trung tuần tháng 10 âm lịch, tại đền có tổ chức lễ Kỳ Yên kéo dài trong ba ngày với nhiều nghi thức cổ truyền. Nhân dân ở các nơi gần xa đều đến tham dự đông đảo.
11. Đền Hùng:
Đền Hùng Vương ở Bình Đa là nơi thờ vọng Quốc tổ Hùng Vương. Đền toạ lạc bên quốc lộ 15, thuộc khu phố 3, phường Bình Đa, Thành phố Biên Hòa. Đền được xây dựng từ năm 1968, hoàn thành năm 1971, do 14 vị trưởng lão xã Tam Hiệp vận động nhân dân trong vùng đóng góp xây dựng. Ngoài việc thờ vọng Quốc tổ Hùng Vương, đền còn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị trưởng lão đã có công khai dựng đền.
Lễ chính tức ngày Giỗ tổ Hùng Vương được cử hành vào mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Ngoài ra, đền còn tế lễ vào ngày sinh của Hồ Chủ tịch (19/5). Vào dịp chính lễ, việc tổ chức và tiến hành các nghi thức tế lễ do Ban Quản lý đền Hùng đảm nhận. Họ chọn ra một người có đức độ, uy tín trong vùng mặc lễ phục cung kính dâng hương, trà, tửu theo tấu nhạc lễ. Trước lễ tế vua Hùng là lễ yết. Đây là một nghi lễ mang ý nghĩa xin phép Bác Hồ, cùng Bác dâng lòng thành lên tổ tiên. Sau đó, lễ tế chính thức vua Hùng mới thực hiện sau.
12. Nhà lao Tân Hiệp:
Từ trung tâm thành phố Biên Hòa, đi theo Quốc lộ 1 khoảng 3km về phía Bắc, sẽ thấy Nhà lao Tân Hiệp. Nhà lao thuộc phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa, nay được gọi là Trung tâm Cải huấn Biên Hòa.
Tại đây, chiều chủ nhật ngày 02/12/1956, khi tiếng kẻng vang lên để lính gác tháp đổi phiên, các tù nhân - Đảng viên Cộng sản đã chia nhau chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng, điện thoại, kho súng và khống chế Giám đốc trại, các giám thị, yểm trợ cho hơn 400 cán bộ, đảng viên nổi dậy chạy thoát ra ngoài, trong đó có một số Đảng viên sau này giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng và nhà nước Việt Nam.
13. Di tích nhà xanh:
Từ trung tâm thành phố Biên Hòa, theo Quốc lộ 15 tới ngã ba Máy Cưa, rẽ tay phải khoảng 500m, du khách sẽ tới Nhà Xanh, nơi trước đây là Sở chỉ huy Tiểu khu Biên Hòa của thực dân Pháp.
Khuôn viên Nhà Xanh rộng hơn 1ha, xây dựng theo lối biệt thự Pháp gồm hai tầng, cấu trúc các tầng đều giống nhau, nóc nhà lợp ngói vảy cá, xung quanh là các trại lính canh gác chặt chẽ ngày đêm. Tại đây, ngày 7/7/1959, đã diễn ra trận đánh gây tiếng vang lớn trong nước và thế giới. Phân đội đặc công Việt Nam chỉ gồm 5 người đã tập kích vào Nhà Xanh chớp nhoáng và bất ngờ, sát thương 2 cố vấn Mỹ và một số sĩ quan bị thương (ở Mỹ, tại Đài tưởng niệm binh sĩ Hoa Kỳ tử trận tại Việt Nam, đây là hai sĩ quan có tên đứng đầu trong danh sách).
Trận đánh thể hiện tinh thần, ý chí tiến công của quân dân Biên Hòa, vạch trần âm mưu xâm lược của Mỹ và bản chất tay sai của chính quyền bù nhìn Sài Gòn
Nhà Xanh được Bộ VH-TT công nhận là di tích quốc gia năm 1986.
14. Đình tân lân:
Đình Tân Lân tọa lạc giữa vùng dân cư đông đúc, trên đường Nguyễn Văn Trị, thuộc phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa. Đình đã được Bộ VH-TT công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Tương truyền, đình Tân Lân ban đầu là ngôi miếu nhỏ ở thành Kèn do dân làng dựng lên từ thời Minh Mạng để tỏ lòng ngưỡng vọng Trấn Biên Đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên, người có công lớn trong việc khai khẩn và phát triển vùng đất Đồng Nai - Gia Định. Sau hai lần dời chuyển, ngôi đình có vị trí như hiện nay. Hàng năm, vào ngày giỗ Trần Thượng Xuyên, nhân dân tổ chức rất lớn theo các nghi thức cổ truyền.
15. Nhà hội bình trước:
Nhà hội Bình Trước toạ lạc tại trung tâm thành phố Biên Hòa, đối diện Bệnh viện tỉnh Đồng Nai, thuộc phường Thanh Bình, do viên tỉnh trưởng người Pháp tên là Bolen xây dựng năm 1936, làm nơi hội họp và làm việc của hương chức hội tề địa phương. Nhà hội Bình trước còn là di tích cách mạng của tỉnh, là nơi thành lập Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Biên Hòa sau khi giành được chính quyền năm 1945
16. Lăng mộ trịnh hoài đức:
Trịnh Hoài Đức (1765-1825) là danh nhân văn hóa Việt Nam, người mang trong mình hai dòng máu Việt-Hoa, nhưng Trấn Biên đã là quê hương ông từ thuở lọt lòng.
Lăng mộ Trịnh Hoài Đức nằm giữa Quốc lộ 1 và đường Nguyễn Văn Trỗi, thuộc phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa. Mộ ông được xây cạnh mộ vợ, xung quanh có bờ thành bằng đá. Phía trước bia mộ là bệ thờ mang dáng vẻ một cái bàn thờ nhỏ được chạm khắc tỉ mỉ. Bia mộ được trang trí hoa văn đẹp mắt, màu sắc hài hòa với toàn cảnh lăng mộ. Trên tường thành phía sau hai ngôi mộ là bức phù điêu xi măng hình rồng cuốn mây.
Hàng năm, vào dịp Thanh Minh, nhân dân nhiều nơi không quên công lao và đức độ của Trịnh Hoài Đức, đã tụ họp về đây làm lễ viếng ông.
17. Đền thờ Đoàn Văn Cự:
Đền thờ thuộc địa phận phường Tam Hiệp, bên quốc lộ 15 được xây dựng năm 1956, có diện tích khoảng 3.000m2. Đền là nơi nhân dân tôn thờ Đoàn Văn Cự - thủ lĩnh hội kín "Thiên Địa Hội" ở Biên Hòa và 16 nghĩa binh đã tử trận trong cuộc tấn công của Pháp vào Bưng Kiệu năm 1905.
Đền gồm có ba nhà chính. Nhà võ ca diện tích 304m2, nằm đối diện với đền thờ chính, bên trong có một sân khấu nhỏ bằng gỗ. Đây là nơi tổ chức hát bội, biểu diễn văn nghệ vào các dịp lễ đền. Hằng năm, vào ngày 08 tháng 04 âm lịch, nhân dân địa phương làm lễ giỗ rất long trọng để tưởng nhớ hùng khí Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh đã xả thân vì nước.
Đền được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2002.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

rất mong được sự góp ý của các bạn, kiến thức là vô hạn...!!!

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...