Ngôi chùa ở ấp Biển Tây, xã Hiệp Thành, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, cách trung tâm thị xã 7 km về hướng Đông Nam. Chùa có tên Kh’mer là Komphisako Prechru (nghĩa là biển sâu), người Việt quen gọi là chùa Xiêm Cán. Đây là một trong những ngôi chùa được liệt vào hàng lớn nhất, đẹp nhất, lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Nam Bộ và là điểm tham quan không thể thiếu khi đến Bạc Liêu.
Chùa do hoà thượng Thạch Nam khởi xướng xây dựng vào năm 1887. Vào năm Kỷ Dậu 1909, một trận bão dữ dội đổ bộ vào phá hủy hoàn toàn khu chánh điện của chùa. Thế là vị trụ trì cùng các sư sãi và tín đồ phải ra sức góp công, góp của xây lại chính điện bằng gỗ quý. Sau 28 năm trụ trì, hoà thượng Thạch Nam viên tịch. Trong thời Pháp thuộc, chùa từng là nơi nương tựa của thanh niên chống bắt lính.
Trong quá trình hình thành và phát triển, chùa Xiêm Cán không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hoá tâm linh, văn hoá nghệ thuật, mà còn là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, là trung tâm tập hợp lực lượng đấu tranh chính trị. Chùa còn lưu giữ bộ sách Khmer cổ được viết trên lá cây dày đến 70 trang.
Kiến trúc
Chánh điện
Chùa Xiêm Cán là một quần thể kiến trúc gồm chánh điện, sala, nhà ở của các sư sãi, tháp đựng hài cốt, am...Tất cả được bao bọc bởi một rừng cây xanh tốt với nhiều loài cây như: dầu, sao, thốt nốt, bồ đề, đa... tạo nên một cảnh sắc thâm u, tĩnh lặng.
- Cổng chùa: cổng chính nằm về hướng Đông, sát mặt lộ, kiến trúc, trang trí hết sức đa dạng. Bên trên được xây hình ba ngọn tháp, mô phỏng theo kiểu kiến trúc Angkor Phía trên có tượng hình rắn nhiều đầu, có nhiều nét chạm trổ, điêu khắc rất công phu. Dãy tường rào nối liền với cổng cũng được trang trí hoa văn tinh xảo. Tất cả được sơn chung một màu vàng quý phái. Từ cổng vào khoảng 100 mới tới khuôn viên chùa.
cổng trong
- Khuôn viên chùa rất rộng, có nhiều hạng mục như: chánh điện, sala, mộ tháp…Các công trình cách nhau cả trăm mét. Xen giữa chúng là những khoảnh sân, mảnh vườn, cây cối, tạo một không gian thanh bình, yên ả, không hề nhuốm chút bụi trần…
+ Chánh điện: nằm ở vị trí trung tâm khuôn viên trên nền cao 1,5 m, đuợc chia làm nhiều cấp bậc và có hành lang bao xung quanh. Bên trong chánh điện là hai hàng cột cao và to nâng đỡ mái chùa. Mái chùa được cấu trúc thành nhiều tầng lớp chồng lên nhau, tạo ra khoảng không gian cao vút, hoà với đỉnh nhọn như một chóp tháp. Chánh điện chỉ thờ duy nhất đức Phật Thích Ca với rất nhiều tượng ở nhiều tư thế khác nhau như Phật ngồi trên mình rắn Naga, Phật ngồi thiền định, Phật đi khất thực, Phật nhập Niết bàn v.v... Đối diện ngôi chánh điện là cột trụ biểu, có hình tượng của con rắn 5 đầu, dùng để thắp nến vào những ngày lễ, ngụ ý rằng giáo lý Phật pháp soi sáng cho nhân loại, giúp mọi người sống hướng thiện như chính loài rắn đã được thuần hoá và phục thiện.
+ Sala: là nhà hội của sư sãi và các tín đồ Phật giáo Kh’mer được xây dựng năm 1997. Trong gian sala có bàn thờ Phật và các ghế, sàn cho các tín đồ bàn bạc, chuẩn bị trước khi lên chánh điện hành lễ. Trên vách, trên trần sala được trang trí các hoa tiết, các bích họa. Chùa có khu vực hỏa thiêu với một nhà thiêu kiến trúc đơn giản, nằm xa trung tâm chùa. Tháp để cốt được xây cất trong khuôn viên chùa, quanh chính điện.
+ Tượng Phật – phù điêu trang trí: chùa Xiêm Cán hiện có đến 115 pho tượng các loại làm bằng xi măng, bằng đất, một bia đá và một quả chuông có từ năm 1887. Những bức tranh trang trí hai bên tường và trên trần điện tả lại cuộc đời của đức Phật với những biểu tượng chằn, bạch tượng, khỉ Hanuman... Bên ngoài thường có những phù điêu hoặc hoa văn như Phanhivo, Phanhiphalong, Dokchan, Hiêl..., các hình chạm, đắp nổi những đề tài phổ biến như hình tượng Reihu, Keyno, Garuda, Tiên...
Hoạt động
Ngoài nhiệm vụ chính là thực hiện các hoạt động tôn giáo, chùa còn là trung tâm văn hóa giáo dục của phum, sóc (làng, xã). Trong khuôn viên chùa có trường học dạy chữ Kh’mer, chữ Pali, dạy kinh..., là nơi lưu giữ các tập truyện kể dân gian xưa và nay hoặc các vốn văn hoá truyền thống...Khi vào chùa, khách thăm viếng phải bỏ mũ nón, đi chân không...
Ngôi chùa vốn đã trở thành trung tâm giáo dục của cả cộng đồng Khmer ở các phum, sóc. Nơi đó, những người con trai Khmer, từ 11 tuổi trở lên vào tu học một thời gian để trở thành người tốt giúp ích cho đời, cũng như báo hiếu cho ông bà, cha mẹ. Ở chùa, họ học tiếng Khmer và tiếng Pali, học được những kiến thức cần thiết cho cuộc sống... Vì vậy, những người đã hoàn thành “nghĩa vụ tu”, khi hoàn tục rất có uy tín đối với cộng đồng. Những người xuất gia sau một thời gian tu tập sẽ trở thành các chức sắc tôn giáo của cộng đồng. Các vị sư được nhân dân rất mực kính trọng và họ tồn tại trong quan niệm của người Khmer như là người đại diện cho đức Phật để chăm lo việc cứu độ cho đời.
Người dân Khmer mỗi tháng đến chùa bốn lần để lễ Phật, tụng kinh, tu dưỡng đạo đức để mong được hưởng quả phúc. Người Khmer coi trọng ngôi chùa còn hơn cả ngôi nhà của mình. Vì thế, ta thấy một hiện tượng rất phổ biến là nhà cửa của nhiều gia đình ở các phum, sóc Khmer tuy vẫn còn đơn sơ, tạm bợ nhưng ở giữa lại mọc lên một ngôi chùa hết sức khang trang, lộng lẫy, nơi đó thường diễn ra các lễ hội dân gian và các lễ hội có nguồn gốc Phật giáo.
Phật giáo của người Khmer là Phật giáo Tiểu thừa mang tính truyền thống cũng như tính khép kín của cộng đồng dân tộc. Nó đã chi phối mạnh mẽ đời sống của nhân dân và tạo nên những đường nét cơ bản trong nền văn hóa của người Khmer.
<theo VietGle>
http://www.vietgle.vn/trithucviet/detail.aspx?pid=NzhDQTAzMDgwNw&key=Ch%C3%B9a%20Xi%C3%AAm%20C%C3%A1n&type=A0
http://www.skydoor.net/place/Ch%C3%B9a_Xi%C3%AAm_C%C3%A1n
http://www.vietbalo.vn/Tham-Quan-Du-lich/Mien-Nam/Bac-Lieu/617/Chua-Xiem-Can/
http://vietbao.vn/Van-hoa/Chua-Xiem-Can-Net-van-hoa-Khmer-Nam-Bo/45144752/185/
.:.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
rất mong được sự góp ý của các bạn, kiến thức là vô hạn...!!!