15 thg 8, 2012

Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (Kỳ 2): Người bán xôi qua 6 thập niên


Bà ngồi đó, bền bỉ suốt gần 60 năm với gánh xôi, mặc cho bao đổi thay của cuộc sống.


Quê tận Hải Phòng, di cư vào nam năm 1954, bà Nguyễn Thị Kiệm nay đã bước sang tuổi 81 và vẫn ra góc đường Lê Thánh Tôn - Pasteur ngồi bán xôi từ tinh mơ. Góc đường đông xe cộ vào giờ đi làm, chốc chốc lại có người ghé vào mua vội gói xôi bắp để kịp giờ đến nơi làm việc.
 
Nguyễn Thị Kiệm
Tôi chỉ sống bằng nghề bán xôi giản dị đâu ngờ được nhiều người quan tâm quá. Nghĩ lại cũng thấy vui. Có lẽ do mình tận tụy với công việc, hết lòng với nó nên mọi người trân trọng chăng?
Bà Nguyễn Thị Kiệm
Bà Kiệm, chậm rãi rọc từng chiếc lá chuối, ép thẳng thớm bằng đôi bàn tay già nua, nhăn nheo vì tuổi tác. Người con gái thứ năm, không chồng con, sống với bà tại ngôi nhà trong con hẻm nhỏ tận đường Lê Văn Sỹ, Q.3 sáng sáng phụ bà bán từng gói xôi nhỏ.
“14 tuổi tôi đã mồ côi. 23 tuổi một thân một mình từ bắc vào nam không đồng xu dính túi. Đất Sài Gòn đón tôi bằng duy nhất một cơ hội: kiếm sống với nghề nấu xôi bắc do gia đình truyền lại”, bà Kiệm nói bằng giọng chậm rãi.
Chồng bà, nay đã 84 tuổi vẫn còn sống, trước là thợ hồ, cùng bà nuôi 11 người con. “Năm 1954 cũng là thời điểm tôi lập gia đình, sinh con trai đầu lòng. Tôi chỉ buồn là làm cha làm mẹ mà không cho con được một tuổi thơ đẹp đẽ. Ngày đó, nghèo quá, đứa con trai đầu phải phụ mẹ ẵm em, đi chợ, nấu ăn, làm tất tần tật công việc của một người phụ nữ. Rồi đứa lớn cứ thế trông đứa nhỏ. Nay cháu nội tôi đã 30 tuổi, tôi cũng có chắt rồi”, bà kể.

Gánh xôi bắp hiếm hoi giữa Sài Gòn
Để có gánh xôi nóng thơm ngậy mùi đậu xanh, hành phi, bà phải thức dậy từ 2 giờ sáng để nấu. Gánh xôi của bà có 2 loại: xôi bắp bắc và xôi vò. Nấu được nồi xôi bắp, bà cho biết phải qua nhiều công đoạn. Bà mua trữ nguyên liệu mỗi lần cả tấn để dành phòng khi khan hiếm. Bắp khô ngâm nước nấu qua ba lần lửa. “Phải hầm thật lâu bắp mới nở hết và mềm. Thấy vậy chứ nấu một nồi bắp không hề đơn giản, vì dễ bị chai cứng. Đậu xanh ngâm nước, đãi vỏ, hấp chín rồi cho vô cối giã nhuyễn. Còn hành phi cũng tự tay tôi làm suốt 60 năm qua. Ngày xưa tôi dùng dầu ô liu phi hành nhưng giờ đắt quá nên đổi qua dầu đậu nành”, bà tiết lộ.
Để có hương vị đặc trưng của món xôi bắp bắc, bà buộc phải gói bằng lá chuối xanh. Lá chuối giờ vẫn đặt mua tận Bà Điểm, Hóc Môn nhưng ngày càng hiếm. Ngày xưa bà dùng lá dứa gai làm muỗng múc xôi bán cho cho khách, nay cây đó không còn ai trồng nữa nên đành thay bằng muỗng nhựa.
Những ngày giáp tết cổ truyền, bà Kiệm còn gói thêm bánh chưng để bán. Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) bà làm thêm món cơm rượu bán với xôi vò. Khách đến gánh xôi của bà đa số là người quen, sinh viên, học sinh, công chức, đủ mọi thành phần. Bất kể mưa nắng, sáng nào người dân Sài Gòn đi ngang đây đều thấy bà ngồi với gánh xôi nghi ngút khói. “Ngày xưa lúc mới bán, lại còn trẻ, tôi đội thúng xôi trên đầu đi bộ từ cầu Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sỹ) sang tận đây. Sau vì tuổi cao, nên tôi đi xe buýt đến tận bây giờ. Đời mình đã khổ, thôi còn sức thì ráng làm, được đồng nào hay đồng đó, lo cho con cho cháu”, bà Kiệm cười khoe hàm răng đen bóng.
Người bán xôi qua 6 thập niên
Bà Kiệm bên gánh xôi ở góc đường Lê Thánh Tôn - Pasteur (TP.HCM). Ảnh: Đ.T
“Thế sao bà không bán gần nhà cho tiện hay tìm góc phố khác đông người để bán nhiều xôi hơn?”, tôi hỏi. “60 năm ngồi đâu quen đó rồi chú ơi! Xa chỗ này tôi chịu không được. Bao nhiêu năm dù chỉ là người buôn gánh bán bưng, tôi đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của thành phố. Những tháng năm dân chúng Sài Gòn biểu tình chống chế độ ông Thiệu cũng đến đây mua xôi của tôi. Rồi ngày giải phóng mấy chú bộ đội tiếp quản thành phố, đóng quân bên kia đường, quý tôi lắm, sáng nào cũng chạy sang đây ăn gói xôi bắp bắc cho đỡ nhớ nhà”. Cuộn phim đời mãi chạy trong ký ức người phụ nữ có gần 60 năm dài sinh sống tại thành phố này như một chứng nhân sống của lịch sử.
Nhiều phóng viên báo nước ngoài tìm gặp bà, xin phỏng vấn rồi ghi hình. “Tôi chẳng biết là báo nào vì có rành tiếng Tây tiếng u gì đâu, nhưng thấy họ quý mình nên cũng vui”. Ngôi nhà cũ kỹ ọp ẹp của bà rộn vang tiếng cười khi đón tiếp những nhà báo đó. “Tôi chỉ sống bằng nghề bán xôi giản dị đâu ngờ được nhiều người quan tâm quá. Nghĩ lại cũng thấy vui. Có lẽ do mình tận tụy với công việc, hết lòng với nó nên mọi người trân trọng chăng?”, bà nói, giọng nhẹ bâng giữa dòng xe cộ đông đúc ngược xuôi ở Sài Gòn.
Đỗ Tuấn

.
=============================
đăng bởi: e.whoiswho


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

rất mong được sự góp ý của các bạn, kiến thức là vô hạn...!!!

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...