CHÙA LONG PHƯỚC
MỘT DI TÍCH LỊCH SỬ – VĂN HÓA Ở TỈNH BẠC LIÊU
* Trần Phước Thuận
Chùa Long Phước – một trong những ngôi chùa được xây dựng được xây dựng đầu tiên ở Bạc Liêu, hiện toạ lạc tại phường 5 thị xã Bạc Liêu trên đường đi Vĩnh Châu (tỉnh lộ 38), cách chợ Bạc Liêu 1.500 mét về hướng đông, cạnh chùa có am Cô Bảy nên chùa còn có tên dân gian là chùa Cô Bảy. Đây là một công trình kiến trúc cổ của người Việt có điểm tô vài nét văn hoá của người Hán, đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ra Quyết định Bảo vệ di tích lịch sử văn hoá số : 1379/QĐ.UB ngày 07 tháng 11 năm 2001. Du khách từ xa nhìn vào đã nhận ra ngay một quần thể kiến trúc thật đẹp, được bố trí thật hài hoà trong một khu đất rộng có cây cối sầm uất nhưng cảnh vật rất nên thơ và yên tịnh.
Khu chánh điện, tổ đường, và nhà nghỉ, nhà khách… được xây dựng ở trung tâm; phía trái là những ngôi tháp cổ nằm ẩn khuất dưới những tàng cây đại thụ; bên phải là một giảng đường thật uy nghi; phía sau chùa là một cái ao thật lớn, đây là một cái ao lịch sử, người địa phương đã từng gọi là “giếng chùa” đã từng cung cấp nước cho dân làng trong một thời gian dài hàng trăm năm; phía trước chánh điện là một vườn hoa có nhiều hoa thơm cỏ lạ, có tương đài Quan Thế Âm đứng sừng sững bên hồ giả sơn giữa hồ sen hình bán nguyệt như một tiểu cảnh Lạc Đà Sơn.
Chùa được xây dựng vào năm 1840 tại thôn Vĩnh Hinh, lúc mới xây dựng người ta đã dùng tên thôn để đặt tên chùa là Vĩnh Hinh Tự. Trong một thời gian dài chùa không có trụ trì chính thức, chỉ có Ban Hộ tự do các phật tử bầu ra để coi sóc chùa. Ngôi chùa lúc đó có hình thức sinh hoạt giống như một niệm phật đường có thiện nam tín nữ hàng đêm tụng kinh niệm phật và cũng là nơi giảng kinh nói pháp của các chư Tăng được mời đến trong những ngày lễ lớn. Lúc mới ra đời Vĩnh Hinh tự chỉ là một ngôi chùa bằng cây ván, nên chỉ tồn tại được hơn 40 năm thì bị hư mục, lúc đó có hoà thượng Thiên Ân cũng thường tới lui, chăm sóc, thấy chùa cần phải sữa chữa nên Hoà thượng đã cùng Ban Hộ tự đứng ra vận động bà con phật tử trùng tu ngôi Chùa. Hoà thượng Thiên Ân (Húy : Như Chánh, Tân Mùi 1871 – Ất Dậu 1945) vốn là người đức cao vọng trọng, Phật học tinh thâm. Ông trụ trì chùa Phước An ở Cái Dầu (Sa Đéc) được một số Phật tử ở Bạc Liêu hâm mộ mời về thuyết pháp; sau nhiều lần thuyết pháp ông được Ban Hộ tự chùa Vĩnh Hinh mời làm trụ trì chùa; lúc đầu ông chưa nhận lời vì không thể cùng một lúc làm trụ trì cả hai ngôi chùa ở hai nơi, mặc dầu vậy nhưng ông vẫn quan tâm đến công việc của chùa Vĩnh Hinh và trong lần trùng tu này phần lớn nhờ vào uy tín của ông nên việc vận động tiền bạc, vật tư … để sữa chữa ngôi chùa được hoàn tất tốt đẹp.
Năm 1888, ngôi chùa Vĩnh Hinh bằng cây gỗ được dỡ ra để xây dựng một ngôi chùa bằng gạch ngói, sau hơn một năm mới hoàn thành. Hoà thượng Thiên Ân lúc đó đã sắp xếp xong công việc ở chùa Cái Dầu nên đã chính thức nhận lời mời làm trụ trì chùa Vĩnh Hinh, nhưng hoà thượng nhận thấy điểm xây dựng chùa là một địa điểm tốt, có nhiều ưu điểm về mặt địa lý, có điều kiện làm nơi phát triển Phật giáo tỉnh sau này, nên hoà thượng đã đề nghị cải sữa tên chùa là Long Phước Tự (có nghĩa là ngôi chùa tràn đầy sự tốt lành). Sau đó ông tiếp tục vận động để xây cất lại Tổ đường để thờ Tổ, nhà bếp để nấu nướng, nhà nghỉ cho chư Tăng, củng cố Ban Hộ tự để đủ người chăm sóc chùa. Trong thời gian ở đây ông đã đào tạo rất nhiều đệ tử, có một số rất nổi tiếng sau này như : Hoà thượng Phổ Chí, Hoà thượng Huệ Quang… Ngoài những công việc tốt đẹp này, ông còn tiếp tục vận động và tạo mọi đều kiện để trùng tu chùa Vĩnh Phước An một ngôi chùa cổ ở Bạc Liêu hiện còn tồn tại đến nay.
Hoà thượng Thiên Ân trụ trì chùa Long Phước được khoảng 20 năm thì phải trở về Cái Dầu vì ngôi chùa cũ ở đó thiếu người chăm sóc; người thừa kế được chọn làm trụ trì chùa Long Phước vào thời điểm đó chính là Hoà thượng Phổ Chí (Húy : Cảo Tâm, Qúi Mùi 1883 – Đinh Sửu 1937) cũng là người ở Cái Dầu cùng quê với thầy là hoà thượng Thiên Ân. Ông vốn là người thông minh đỉnh ngộ, có nhiều biệt tài lại xuất gia từ nhỏ, đã theo thầy đi hành đạo ở nhiều nơi, nên không những phật pháp rất vững vàng mà kiến văn cũng uyên bác. Vì vậy trong thời gian làm trụ trì chù Long Phước ông có một số lượng tín đồ rất đông. Ông luôn thực hiện lời thầy dạy bảo, tiếp tục làm những công việc lợi ích xã hội như: Vận động mọi người trãi đất đỏ và sữa lại con đường từ lộ cái đi Vĩnh Châu xuống bờ sông Bạc Liêu để người dân đi lại dễ dàng; tổ chức đào rộng thêm giếng làng (đã có sẵn) để người dân trong làng có đủ nước dùng trong mùa khô … Hoà thượng còn là một thầy thuốc giỏi lại có tinh thần phục vụ cao, nên lúc nào chùa cũng có người đến nhờ xem mạch trị bệnh, vì vậy tín đồ càng lúc càng đông.
Trong thời gian này có một người tên Phạm Văn Tư (1869 – 1940) cũng là người ở Cái Dầu xuống xin Hoà thượng cho cất một cái am trên đất chùa. Cũng vì chùa Long Phước có am Cô Bảy nên từ đó xuất hiện cái tên dân gian là chùa Cô Bảy.
Năm 1930, chùa Long Phước qua một thời gian dài đã có nhiều chỗ hư cần sữa chữa, Hoà thượng Phổ Chí đã vận động trùng tu, đây là lần trùng tu thứ hai. Theo lần trùng tu thứ nhất năm 1888, cửa của chánh điện được thiết kế ở hướng Đông, nhưng lần này theo ý của Hoà thượng Phổ Chí, chánh điện được giở ra xây cất lại, và cửa chính được xoay về hướng Nam, cả Tổ đường cũng xây song song với chánh điện, cửa cũng xoay về hướng Nam như ngày nay.
Ngày mùng 03 tháng 11 (âl) năm Đinh Sửu 1937 Hoà thượng Phổ Chí viên tịch, được môn đồ xây tháp thờ ở phía Đông chánh điện của chùa, đệ tử lớn của ông là Thượng tọa Chí Hiếu được thay thế là trụ trì. Ông có tên thật là Nguyễn Tiến Bộ sanh năm Nhâm Tý (1912) tại Cái Dầu - Sa Đéc và mất năm Bính Dần (1986) tại Bạc Liêu. Làm trụ trì được ít lâu ông lại tham gia cách mạng; năm 1945 Thượng toạ Chí Hiếu là người đã góp phần tạo điều kiện cho Công binh xưởng của Tỉnh đội Bạc Liêu trú đóng và hoạt đông. Công binh xưởng được thành lập tại đây do ông Tào Văn Tỵ chỉ huy và có nhiều cán bộ khác như các ông : Nguyễn Tiến Bộ (Thượng toạ Chí Hiếu), Giang Văn Tường (Đại đức Thiện Hoà), Nguyễn Văn Ngưu, Nguyễn Văn Dành, Lê Văn Nguyên, Lê Văn Chánh, Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Văn Vĩ, Nguyễn Văn Buối … Trong thời gian đặt cơ sở ở đây, công binh xưởnh tỉnh Bạc Liêu đã được sự hỗ trợ và bảo bọc của tăng ni chùa Long Phước, đã sản xuất được hiều sản phẩm, vũ khí cung cấp cho các chiến trường thuộc địa phận quân khu 9. Công binh xưởng hoạt động được sáu tháng thì có lệnh rút về Cây Vang, được ít lâu lại dời sang Cạnh Đền sau đó lại dời xuống Cái Tàu; ông Nguyễn Tiến Bộ (Thượng tọa Chí Hiếu) đã theo tiếng gọi của quê hương, rời khỏi chùa chính thức gia nhập Công binh xưởng để phục vụ cách mạng. Lúc đó Thượng toạ Chơn Pháp ở Phú Lộc (Sóc Trăng), được Ban hộ tự Chùa Long Phước mời về làm trụ trì thay cho Thượng toạ Chí Hiếu.
Thượng toạ Chơn Pháp (Huý : Nhật Hoa) là một trong những đệ tử đắt ý nhất của Hoà thượng Phổ Chí, ông có tên thật là Nguyễn Văn Hảo sanh năm Nhâm Tý (1912) tại Long Xuyên tịch ngày 17 tháng 5 (âl) năm Nhâm Dần (1962) tại Bạc Liêu, tháp của ông được xây bên cạnh tháp của thầy. Lúc sinh thời ông vốn tính hiền lành lại siêng năng chăm chỉ nên đã học hỏi được những sở đắc của thầy. Sau khi thay thế người sư huynh để làm trụ trì chùa Long Phước, ông đã đem hết khả năng của mình để phục vụ đạo pháp, thực hiện nhiều công việc lợi ích xã hội; ngoài ra ông còn tạo điều kiện cho cán bộ cách mạng hoạt động hợp pháp tại chùa. Ngày 26 tháng 1 năm 1955 Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Bạc Liêu thành lập tại chùa Long Phước, các cán bộ như Lê Văn Út (Út Rổ) – Bí thư Thị Ủy, Nguyễn Vĩnh Nghiệp (Sáu Tường) và Hà Thái Bình – Thị ủy viên cũng thường có mặt ở chùa để hoạt động.
Năm 1962, Thượng toạ Chơn Pháp tịch, chức trụ trì chưa có người thay, mãi đến năm 1966 Ban hộ tự mới mời được Hoà thượng Hiển Giác về làm trụ trì. Hoà thượng có tên thật là Nguyễn Văn Đằng (1926 – 1992) quê quán của ông ở làng Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, vừa về làm trụ trì ông đã tổ chức ngay một lớp đào tạo trụ trì tại chùa Long Phước, lớp học có 15 người dự. Sang năm sau (1967) ông mở thêm một lớp đào tạo trụ trì khác, lớp nầy có cả Tăng Ni ở Cà Mau tham dự, tất cả được 20 người. Làm trụ trì ở đây được 3 năm, sang năm 1969 ông lại về làm trụ trì chùa Vĩnh Đức (phường 7 thị xã Bạc Liêu). Cuộc đời của Hoà thượng rất đặc biệt, ông được sinh ra từ quê hương Đồng Khởi (Bến Tre), sớm ý thức được cách mạng nên vào những năm 50 (của thế kỷ XX) ông đã tham gia cách mạng. Nhưng do tổ chức bị lộ, ông phải về Bạc Liêu ẩn lánh, nhưng vẫn tiếp tục công việc của mình, ông rất tích cực trong các công tác được giao phó, thể hiện rõ nhất lúc chuẩn bị mọi đều kiện thuận lợi cho ngày 30 tháng 4 năm 1975 – tiếp thu tỉnh Bạc Liêu, ông góp phần rất đắc lực. Sau tiếp thu năm 1975 ông là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Minh Hải, Ủy viên Hội đồng Nhân dân tỉnh Minh Hải cho đến ngày ông viên tịch.
Sau khi Hoà thượng Hiển Giác về chùa Vĩnh Đức, Ban hộ tự chùa Long Phước mời người thừa kế của thượng tọa Chơn Pháp là Thượng toạ Huệ Hà lúc đó đang ở chùa Ấn Quang (Sài Gòn) về làm trụ trì. Thượng tọa là người xuất gia từ nhỏ, đã tốt nghiệp Phật học viện Huệ Nghiêm nên rất tinh thâm Phật học, vì vậy rất gắn bó với công tác Phật sự, xã hội, đã phát dương quang đại chùa Long Phước cho đến ngày nay. Thượng toạ tên thật là Nguyễn Giang Hà sinh năm 1936 tại Phú Lộc (Sóc Trăng), xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo có truyền thống cách mạng, anh là liệt sĩ Nguyễn Văn Mão; ông chỉ có ba người anh em, cha chết rất sớm lúc ông chưa đấy ba tuổi, sau đó anh lại hy sinh, mẹ ông đã dẫn ông vào chùa làm công quả và ông đã xuất gia năm lên bảy tuổi tại chùa Long Phước, vì vậy ngôi chùa nầy rất thân thiết đối với ông.
Trong thời gian làm trụ trì, Thượng toạ Huệ Hà đã tạo được nhiều thành tích : Năm 1975 trùng tu Tổ đường và Hậu đường; Năm 1996 xây bức tường bao bọc quanh chùa với chiều dài hơn 100m cao 2 mét bên trong lại xây dựng một hoa viên có hòn giả sơn, hồ bán nguyệt và tượng đài Quán Thế Âm; Năm 1998 làm một con đường trải đá xanh từ lộ cái vào chùa hơn 200m và trùng tu con đường công cộng dẫn xuống xóm từ bờ sáng để người dân đi lại dễ dàng; ông còn tạo được nhiều thành tích xuất sắc trong việc cứu trợ, nhất là lần vận động hơn nửa tỷ đồng cứu trợ khắc phục hậu quả cơn bảo số 5 năm 1997: Mới đây năm 2001 đã hoàn thành một giảng đường có sức chứa hơn 100 người đặt tại chùa Long Phước đây là nơi học tập rất tốt cho Tăng Ni trong các mùa an cư kiết hạ, lại vừa là nơi giảng dạy lý tưởng cho trường Trung cấp Phật học tỉnh nhà. Tháng 4 năm 2003 vừa qua được Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong giáo phẩm Hoà thượng. Hiện nay Hoà thượng là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Trưởng ban trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu, Ông thật sự là một người có năng lực tổ chức, hoạt động phục vụ làm tốt đạo đẹp đời.
Nói tóm lại, Chùa Long Phước là một nơi qui tụ được nhiều danh Tăng, có nhiều thành tích hoạt động xã hội, nơi đây có nhiều đặc điểm văn hoá và mang đậm những dấu ấn lịch sử; hiện nay đã trở thành một trong những điểm tham quan du lịch rất lý tưởng của tỉnh Bạc Liêu. Một ngôi chùa cổ có nhiều đặc điểm như thế, thật xứng đáng được công nhận là di tích lịch sử văn hoá tỉnh nhà.
PHỤ CHÚ :
* CÁC THỜI ĐIỂM XÂY DỰNG VÀ TRÙNG TU
- Năm Canh Thân (1840) : Xây dựng chùa (mang tên Vĩnh Hinh Tự 永馨寺)
- Nă Mậ Tý (1888) : Hoà thượng Thiên Ân cùng Ban hộ tự tổ chức trùng tu lần thứ I, đồng thời chùa được đổi tên Long Phước Tự 隆福寺.
- Năm Canh Ngọ (1930) : Hoà thượng Phổ Chí trùng tu chùa lầ thứ II cửa chùa cũ ở hướng Đông được sữa xây về hướng Nam.
- Năm Ất Mão (1975) : Hoà thượng Huệ Hà tổ chức trùng tu lần thứ III, lần này chỉ xây dựng lại Tổ đường và Hậu đường.
- Năm Bính Tý (1996) : Hoà Thượng Huệ Hà cho xây bức tường rào quanh chùa có chiều dài hơn 100m.
- Năm Tân Tỵ(2001) : Hoà Thượng Huệ Hà xây dựng một giảng đường và một tăng xá chứa khoảng 100 người.
- Năm Đinh Tỵ (2001) : Thành lập Trường Trung cấp Phật học, Ban Giám hiệu 5 người, gồm : Hòa thượng Huệ Hà – Hiệu trưởng, Thượng tọa Lý Sa Mouth – Phó Hiệu trưởng, Đại đức Giác Nghi – Phó hiệu trưởng, Cư sĩ Trần Phước Thuận (Tắc Hành) – Phó Hiệu trưởng, Cư sĩ Nguyễn Thái Hạo (Quảng Thiệt) – Chánh văn phòng. Nhưng lúc đó trường học chỉ hoạt động dưới danh hiệu một lớp giáo lý dài hạn, đến một năm sau mới nhận được quyết định chính thức (QĐ số: 970/QĐUB ngày 14 tháng 10 năm 2002 của UBND tỉnh Bạc Liêu). Lớp Trung cấp Phật học đầu tiên gồm có 45 tăng ni sinh; Ban Giảng huấn 16 vị trong đó có bảy Cử nhân, chín Giảng sư Phật học và hợp đồng thêm hai Thạc sĩ. Đến đầu năm 2005 được cấp phép mở thêm một lớp Cao đẳng chuyên khoa (Giấy phép số: 283/UB ngày 22 tháng 3 năm 2005 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu). Năm 2007, sau kết quả của Đại hội Phật giáo tỉnh, Đại đức Giác Nghi nhận nhiệm vụ mới, Ban Giám hiệu bổ sung thêm Đại đức Thiện Phúc, Đại đức Phước Chí và Sư cô Nghiêm Thành làm Phó Hiệu trưởng. Đến thời điểm này Ban Giám hiệu có 6 vị, gồm : Hiệu trưởng, 5 Phó Hiệ trưởng (Đại đức Thiện Phúc kiêm nhiệm Chánh Thưmký của trường). Toàn trường có 4 lớp học, mỗi lớp ở một điểm học khác nhau : lớp Cao đẳng ở chùa Long Phước, lớp Trung cấp ni ở chùa Giác Hoa, hai lớp Sơ cấp và Trung cấp Nam tông Khmer ở chùa Buppharam và 6 điểm chùa khác trong địa bàn tỉnh. Đây là trường Trung cấp Phật học duy nhất ở Nambộ có dạy cả hai chương trình Bắ tông và Nam tông Khmer.
- Năm Quí Mùi (2003) : Xây dựng thêm một Thư viện cũng vừa là Nhà phát hành sách để phục vụ các nhu cầu nghiên cứu, học tập của Tăng ni sinh và tín đồ Phật tử.
- Năm Ất Dậu (2005) : Xây dựng thêm một tăng xá, tầng dưới 8 phòng dành riêng cho các tôn túc, giảng sư tầng trên là thư viện hiện có hàng ngàn đầu sách, đủ các loại kinh luật luận và các sách nghiên cứu Phật học, văn học, sử học, triết học…
- Năm Bính Tuất (2006) : Vận động thành lập Nhà nuôi trẻ mồ côi (Giấy phép số: 84/QĐUBND ngày 6 tháng 7 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thị xã Bạc Liêu. V/v Cho phép thành lập cơ sở Nhà trẻ mồ côi Long Phước). Hiện có 20 trẻ có độ tuổi từ 2 tháng tuổi đến 16 tuổi đang được nuôi dưỡng tại đây.
* CÁC ĐỜI TRỤ TRÌ CỦ CHÙA
- 1840 – 1887 : Chư có trụ trì chính thức.
- 1887 – 1908 : Hoà thượng Thiên Ân 天恩 (Huý Như Chánh 如正). Sinh năm Tân Mùi (1871), tịch ngày 13 tháng 03 năm Ất Dậu (nhằm ngày 24 tháng 04 nă 1945).
- 1908 –1937 : Hoà thượng Phổ Chí 普志(Huý : Cảo Tâm 杲心 ), sinh năm Qúi Mùi (1883), tịch mùng 3 tháng 11 năm Đinh Sửu (Nhằm ngày 5 tháng 12 năm 1937).
- 1937 –1945 : Thượng toạ Chí Hiếu 志孝 (tên thật Nguyễn Tiến Bộ. Sinh năm Nhâm Tý (1912), tịch ngày 23 tháng 07 năm Bính Dần (nhằm ngày 26 tháng 08 năm 1986).
- 1945 – 1962 : Thưọng toạ Chơn Pháp 真法 (tên thật Nguyễn Văn Hảo, Huý : Nhật Hoa 日華 ). Sinh năm Nhâm Tý (1912), tịch ngày 17 tháng 05 năm Nhâm Dần (nhằm ngày 18 tháng 06 năm 1962).
- 1962 – 1965 : Không có trụ trì.
- 1966 – 1968 : Hoà thượng Hiển Giác 顯覺 (Tên thật Nguyễn Văn Đằng, Huý : Quảg Bình 廣平 ). Sinh năm Bính Dần (1926), tịch ngày 24 tháng giêng năm Nhâm Thân (nhằm ngày 28 tháng 02 năm 1992).
- 1969 – đến nay : Hoà thượng Huệ Hà 慧河 (tên thật Nguyễn Giang Hà). Sinh năm Bính Tý (1936).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
rất mong được sự góp ý của các bạn, kiến thức là vô hạn...!!!