Hít một hơi thở thật sâu, tôi hồ hởi “dấn thân” vào một môn thể thao… kinh khủng nhất mà tôi từng tham gia — đi xe đạp đường dài ở Việt Nam.
Tham gia giao thông ở đây giống như đang bơi giữa một biển xe cơ giới. Một biển các loại xe — xe hơi, xe tải, xe đạp điện, xe đạp,
xe của những người bán rong trái cây và xe kéo hai bánh — tràn lên qua
các đại lộ, nơi những đèn xanh đèn đỏ dường như chỉ là những vật để
trang trí.
Bên trái của tôi là một cô nữ sinh trung
học cưỡi trên một chiếc Vespa trong bộ áo dài trắng đồng phục thướt tha
với đôi găng tay dài đến khuỷu. Khoảng cách quá gần đến nỗi tôi có thể
ngửi thấy mùi nước hoa trên người cô. Bên tay phải là một gia đình năm
người đang ngồi chen nhau trên một chiếc xe máy.
Tôi có cảm giác rằng nếu có một ai đó
bất thình lình đổi hướng thì sẽ kéo theo sự đổ nhào của một loạt các
phương tiện đi lại. Nhưng không biết tại sao hoặc bằng cách này cách
khác, thật là kì diệu, tất cả đều hoạt động nhịp nhàng.
Trước khi đây tôi đã từng nghĩ rằng đến Việt Nam mà không đi xe đạp
thì giống như đến Bắc Cực mà không đi xe trượt tuyết chó kéo hay đến sa
mạc Sahara mà không cưỡi lạc đà. Nhưng tôi đã không nghĩ đến việc sang
đường ở Việt Nam cũng là một môn thể thao mạo hiểm.
Đi xe đạp ở Việt Nam là một phương pháp tuyệt vời để cảm nhận nhịp độ, hơi thở của đất nước. Bạn sẽ không cảm nhận được một cái gì về văn hoá
nếu chưa bị quay tròn giữa một biển người, giữa gạo thóc, loạng choạng,
chầm chậm đi lại giữa vô số các hàng bán cá và chợ rau, hay phải chuyển
hướng bất đắc dĩ do những cú hích từ đằng sau hay va chạm với các loại
gia súc, trâu bò, những chướng ngại vật luôn tạo ra sự ùn tắc giao thông
ở nông thôn.
Hầu hết các nhà điều hành các chuyến du lịch bằng xe đạp thường đề nghị các chuyến đi dài một tuần hoặc hơn thế để giúp khách du lịch nắm được hầu hết những khu vực đẹp đẽ và thú vị nhất dọc theo chiều dài 1000 dặm của đất nước hình chữ S từ thành phố Hồ Chí Minh — với cái tên cũ là Sài Gòn — ở miền Nam đến Hà Nội — thủ đô của Việt Nam ở miền Bắc. Tùy thuộc vào người cung cấp thiết bị, ở những nơi không thể đi xe đạp thì xe của bạn sẽ được chở trên những chiếc máy bay đến những điểm đi xe đạp tiếp theo. Một vài văn phòng du lịch sẽ khuyến khích thêm một chuyến đi đến Angkor Wat gần Campuchia nữa.Tôi đã gặp nhóm bạn của tôi ở Sài Gòn và chúng tôi đạp xe thẳng tiến đến Đà Lạt, một thành phố cao nguyên của Việt Nam, được bao quanh bởi các dãy núi.
Chúng tôi đạp xe qua các đồi thông và các rừng tre xanh mướt nơi mà các đôi uyên ương sắp cưới thường đến để chụp ảnh, họ đứng dựa vào thành của các lan can cong như vách đá. Không khí cao nguyên rất trong lành và khô thoáng, chúng tôi cùng tận hưởng những con đường lộng gió với các loại động cơ công suất thấp lượn lờ chở theo những bó hoa lay ơn và hoa hồng tuyệt đẹp. Đà Lạt là một thành phố ở độ cao 1500m so với mặt biển, và khi chúng tôi kéo nhau vào một ngôi nhà ven đường đi để ăn trưa, tất cả chúng tôi đều há hốc miệng để hít từng giọt khí trời trong lành. Thật tuyệt!
Văn hóa ẩm thực truyền thống
Việt Nam
là một đất nước có truyền thống nấu nướng công phu và phức tạp. Những
món ăn chúng tôi đã thưởng thức có mùi vị rất đa dạng, có nhiều món
chúng tôi ít khi hoặc không bao giờ được nhìn thấy tại các thực đơn của
các nhà hàng Việt Nam tại miền Bắc nước Mỹ.Bữa trưa chúng tôi ăn tại đồi thông Đà Lạt ngày đó — như hầu hết mọi ngày — đơn giản nhưng rất ngon với những nguyên liệu thức ăn tươi được mua về từ chợ sáng: Đậu phụ rán nhồi thịt, thịt bò bọc lá lốt nướng, thịt nai rừng xiên nướng và thịt lợn, cá ngừ được bọc lá chuối rối nướng rất thơm ngon. Nhưng trong các món ăn truyền thống, chúng tôi vẫn thích nhất món rau xào, một loại rau trồng ở dưới nước trông giống như rau bina xào với tỏi.
Cũng trong bữa ăn trưa đầu tiên ấy tôi đã học được cách đọc một con số đếm đầu tiên bằng tiếng Việt, đó là số 3 — cách đọc là “ba”. Sau đó, khi gọi món bia nổi tiếng của Việt Nam là bia 333, tất cả chúng tôi đều phát âm rất to trông giống như đàn cừu bị bỏ rơi hơn là những người khách du lịch đi xe đạp — “ba ba ba”. Tiếng hò hét được phụ theo bởi những tiếng reo vang dội “Yo”, đó là từ mà người Việt Nam hay nói khi uống rượu bia với ý nghĩa “uống”.
Ngày tiếp theo, chúng tôi học được cách hãm phanh khi chúng tôi phải vượt qua 18 dặm những đoạn đường ngoắt ngoéo và xuống dốc. Khi độ dốc cao thì số miếu thờ bé tí bên con đường ngoằn ngoèo cũng tăng lên theo cấp số mũ. Chúng tôi cho xe thả xuống dốc trong cái không khí ẩm ướt của miền duyên hải, nơi chúng tôi sẽ trải qua một trong những ngày nghỉ tuyệt vời của chuyến du lịch lý thú này.
Sau một chuyến bay xuất phát không xa sân bay Cam Ranh, chúng tôi đến thành phố cổ kính của thế giới — Hội An. Đây là một thành phố rất đẹp, là di sản văn hóa thế giới nơi nổi tiếng với kiến trúc của các ngôi nhà gỗ cổ và những con đường hẹp. Có một điều đặc biệt nữa là nơi đây có đến 6.000 thợ may, những người có thể sang tạo ra những bộ đồ từ những bộ quần áo lụa đến những bộ đồ pha trộn các loại lụa trong vòng 12 giờ hay ít hơn thế.
Đế quốc Pháp đã để lại nơi đây một ảnh hưởng lớn đối với người Việt, và ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Pháp đặc biệt được nhìn thấy rõ nhất trong cách nấu nướng các món ăn: Bánh mì gậy bán hai bên đường và bánh sừng bò cho bữa sang, có cả cà phê. Hội An, cũng giống như các nơi khác ở Việt Nam, đều có những quán cà phê vỉa hè, nơi bạn có thể thả bộ nhìn ngắm cuộc sống nhộn nhịp của người qua kẻ lại.
Tôi có một đam mê trong suốt chuyến du lịch đó là uống cà phê sữa đá. Những giọt cà phê đen chảy chầm chậm qua một cái fin sau đó được pha với sữa đặc, rối khuấy cho tan đều, bỏ thêm một ít đá lạnh. Chắc chắn ly cà phê này sẽ kích thích hệ thần kinh của bất kì người nào đó khi nhấm nháp từng giọt cà phê thơm ngon qua cổ họng.
Đi về phía Bắc, chúng tôi dừng chân tại
một thành phố cổ kính, nguy nga là Huế. Chúng tôi đã đi thăm vòng quanh
thành phố, nơi đã từng là kinh đô của các đời vua Việt Nam. Sau đó chúng tôi chất xe đạp
lên những chiếc thuyền gỗ nhỏ để băng qua sông Hương và tiếp tục lên xe
đi thăm những lăng mộ được xây dựng rất công phu và tỉ mỉ của các bậc
vua chúa ngày xưa, những người đã có thời gian và sức khoẻ tốt để dung
hòa và làm hài lòng đến 500 thê thiếp.
Chúng tôi đã vượt qua con đường mòn Hồ Chí Minh,
một con đường rất dài nổi tiếng là trục giao thông chính có chiều dài
1000 dặm nối liền hai miền Nam — Bắc, rồi qua nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
Việc đi xe đạp
mỗi ngày đã bắt đầu vào guồng, chúng tôi xuất phát sớm với tâm trạng
thoải mái trong tiết trời tương đối mát mẻ. Thỉnh thoảng lại dừng lại ở
các cơ sở dệt lụa hay sản xuất đậu phụ gia đình. Cuộc hành trình không
mấy khó khăn, nhưng quan trọng là phải tỉnh táo. Thỉnh thoảng chúng tôi
vẫn được thấy người ra phơi thóc hay cà phê trên đường. Một người phụ nữ
cười sung sướng trước bạt lúa ngập tràn.
Một người California trong nhóm chúng tôi đã kể những câu chuyện về thời gian đóng quân ở Sài Gòn cuối những năm 1960 và nói rằng đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông kể từ khi ông còn là một người phụ trách Không Lực.
“Kể từ đó, tôi thực sự muốn đến đây”, ông nói. “Tôi có những tấm ảnh chụp ở Việt Nam trong những quyển tạp chí của những năm 1960”.
Sự thân thiện của người Việt Nam
đã làm cho tất cả mọi người phải ngạc nhiên, đặc biệt là những người
Mỹ. Rất nhiều người trong số họ e sợ khi đến một đất nước mà tên của nó
khiến họ nghĩ tới cuộc chiến tranh tàn khốc mà cha ông họ gây nên. Nhưng
người Việt Nam
không thù hận, không chống lại, không kì thị những người Mỹ nữa, và
quân đội Mỹ chỉ là một trong những bên tham chiến trong lịch sử chiến
tranh Việt Nam mà thôi.
Tuy nhiên, một dấu ấn của chiến tranh
vẫn không bao giờ tàn phai, đó là chất độc màu da cam, mà những thế hệ
sau tiếp tục phải gánh chịu, và đây là một trong những đất nước có tỷ lệ
di chứng sau khi sinh cao nhất thế giới.
Ở những ngôi làng nông thôn mọi người hô to “xin chào!”
khi chúng tôi đi ngang qua. Tại các trường tiểu học và các trung tâm y
tế cộng đồng học sinh ào hết ra đường để vẫy chào chúng tôi. Những cái
mũ giơ lên, những âm tiết ngắn và những cái nhìn chằm chằm, đó là cách
mà người Việt Nam nói “xin chào”. Tiếng Việt rất khó, đó là một ngôn ngữ có 6 thanh điệu. Để nói xin chào, chúng tôi phải uốn lưỡi lên trên ở cuối từ “chào”.
“Một bát cháo”
“Nếu thanh điệu đi xuống thì sẽ là từ “cháo”, Anh, người hướng dẫn viên của chúng tôi giải thích.
Anh và tôi đạp xe gần nhau trên con
đường hai bên toàn là những khóm hoa dã quỳ nở rộ. Anh ta kể cho tôi
nghe khoảng thời gian 6 năm ở St. Petersburg, Nga để học kĩ sư máy móc
tự động và học nói tiếng Nga và tiếng Trung của anh.
“Ở Việt Nam không có chế độ giáo dục miễn phí, bố mẹ phải trả tiền cho việc giáo dục con cái”, anh ta nói.
Trên thực tế, đất nước với hơn 50% dân số dưới tuổi 25 đang thực sự làm cho nền kinh tế bùng nổ. Theo Ngân hàng thế giới, Việt Nam
là một trong những đất nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên
thế giới, với tốc độ tăng tổng sản lượng quốc dân hàng năm vào khoảng
7.3% kể từ năm 2001.
Đất nước đang xây dựng một thị trường
kinh tế phát triển mạnh trong những năm tới, và những Việt kiều, đang
được khuyến khích quay trở về sinh sống và đầu tư ở Việt Nam.
Chúng tôi kết thúc chuyến đi ở thủ đô Hà Nội nằm ở phía Bắc Việt Nam. Nếu như nền kinh tế hiện đại Sài Gòn rất nhộn nhịp và bận rộn thì Hà Nội là một thành phố thanh lịch và cổ kính.
Đây là một thành phố giàu về văn hóa và truyền thống, những khu buôn bán kinh doanh thường tập trung xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Chúng tôi đi thăm phố cổ bằng xích lô. Chúng tôi đi thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh nơi lưu lại những di vật của Chủ tịch Hồ chí Minh và thăm Lăng Bác nơi thi hài của Người được lưu giữ.
Ngày cuối cùng trong chuyến đi, chúng tôi cảm thấy đã trở thành các chuyên gia trong việc tìm đường ở các vùng nông thôn Việt Nam và vượt qua các khó khăn trên đường đi. Chúng tôi bị cuốn vào văn hóa, ẩm thực và thậm chí đã thử uống rượu tắc kè và rượu cá ngựa, những món vẫn được xem là kinh khủng nhất.
Nhưng những kỉ niệm đáng nhớ nhất trong
suốt chuyến đi là đạp xe qua các ngôi làng ít thay đổi qua hàng thế kỉ,
vẫy tay chào và la to với những người địa phương “xin chào!”.
Hạ Anh (Vietimes). Dịch từ tạp chí Sfgate
.
=============================
đăng bởi: e.whoiswho
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
rất mong được sự góp ý của các bạn, kiến thức là vô hạn...!!!