Lê Trung Hoa
1. Nam Bộ là vùng đất có nhiều rừng cây. Ngày nay, sau quá trình khẩn hoang, nhiều loại cây đã bị tuyệt chủng. Tuy nhiên, một số tên cây đã đi vào địa danh, do đó dù không còn có mặt trên địa bàn, nhưng tên của chúng vẫn hiện diện trong đời sống của chúng ta.
2.1. Trước hết là những địa danh có từ Cây ở trước.
Cây Cám là con kinh ở phường Bến Nghé (tp. HCM), do kỹ sư Bovet đề xuất đào năm 1867, bị lấp năm 1892. Cây Cám là loại cây, lá có phấn mịn như cám, mọc cạnh kinh [5].
Cây Cui là rạch ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Cây Cui là “loại cây to, lá đơn một phiến cứng, giòn, bề trái màu bạc có vảy nhỏ, chùm tụ tán
ở nách, nhị đực trên hùng đài, quanh hùng đài có đĩa mật, một hột”, cũng gọi là cây huỳnh long [6].
Cây Gừa là ấp của xã Tân Phong, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Cây Gừa là loại cây cao lớn, mọc ven rạch ở vùng có thuỷ triều [12].
Cây Sống Rắn là giồng (đất) ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Cây Sống Rắn là “thứ cây nhỏ có nhiều tượt, mình uốn khúc giống cái xương sống con rắn” [3].
Cây Sộp là ấp của xã Tân An Hội, huyện Củ Chi (tp. HCM). Cây Sộp là loại cây to, lá xanh sậm mọc chùm dày, đọt trắng, hơi chua và chát [5].
Cây Trường là một địa điểm ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Cây Trường là loại “cây rừng to, tàn lớn, lá cứng giòn, hoa đều tứ phần, 8 tiểu nhị, trái đỏ có gai mềm, cơm ngọt hoặc chua, hột to” [3].
Một số ít địa danh có từ Cái ở trước. Cái là từ cổ, có nghĩa là “rạch”.
Cái Cui là khu cảng ở thành phố Cần Thơ, dài 5km. Cái Cui là “rạch cây cui”, một loại cây to, lá đơn một phiến cứng. Cây cui còn có tên khác là huỳnh long. Ở tỉnh Vĩnh Long cũng có hai con rạch Cái Cui và một sông Cái Cui Lớn [4].
Cái Nhum là tên huyện cũ của tỉnh Cửu Long. Năm 1977, nhập một phần với các huyện Châu Thành Tây, Tam Bình thành huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Cái Nhum còn là tên thị trấn của huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long và tên rạch ở tỉnh Hậu Giang. Nhum là loại cây giống cọ nhưng lớn, có nhiều gai.
Cái Nhút là rạch ở tỉnh Cà Mau. Cái Nhút là “rạch có nhiều rau nhút”, một loại rau mọc trên mặt nước [4].
Cái Quao là huyện lỵ của huyện Duy Minh, tỉnh Vĩnh Long xưa, nay thuộc xã An Định, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Cái Quao là “rạch quao”. Quao là loại cây mọc ven sông rạch, trái ra từng chùm, dài từ 20 – 30cm, hình cong và nhọn ở đầu như chiếc sừng trâu [10].
2.2. Tiếp theo là tên những cây có một âm tiết, có thể đứng độc lập hoặc kết hợp với một từ chỉ địa hình.
Bướm là rạch ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Trong tỉnh này còn có kinh Bờ Bướm (huyện Bình Minh); đập Cây Bướm(huyện Vũng Liêm). Bướm là “loại cây có gai mọc ven bờ sông rạch, cao khoảng 3 – 4m, lá giống như lá cây mai, gai mọc ở dưới gốc dài khoảng 3cm nhưng trên thân thì gai ngắn còn khoảng 2cm. Gỗ thường được dùng làm cột nhà” [7].
Choại là rạch ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Choại, thường bị nói chệch thành Chại, là loại dây hay mọc theo đất bưng, chịu mưa nắng, thường dùng để bện đăng [3].
Cóc là rạch ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ở đây còn có ấp Rạch Cóc. Cóc là “cây thuộc họ trám, vỏ thường được phơi khô để làm thuốc nhuộm, lá được dùng để nấu canh chua hoặc ăn cùng những món lẩu” [7].
Trư là bàu ở xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Trư, vì vùng này có nhiều cây trư có thể dùng làm thuốc chữa bệnh cho mát gan [1].
Những từ thường kết hợp với tên cây đơn tiết là Bến, Giồng, Gò,...
Bến Lức vừa là tên sông vừa là tên huyện, tên cầu ở tỉnh Long An. Bến Lức vừa gốc thuần Việt vừa gốc Khmer, là “bến có nhiều cây lứt”. Lứt (lức) gốc Khmer Rolưk [13] là một loại cỏ lá nhỏ, mọc theo bờ nước, rễ là vị thuốc sài hồ. Tên dịch ra từ Hán Việt của Bến Lức là Lật Giang.
Giồng Trôm là huyện của tỉnh Bến Tre, diện tích 311,4km2, dân số 182.400 người (2006), gồm một thị trấn và 21 xã. Giồng Trôm có âm gốc Vồng Trôm, vốn có nghiã gốc là “vồng đất có nhiều cây trôm”. Trôm là “loại cây to, lá giống lá gòn nhưng tới 7 phiến; hoa đỏ không cánh (…); cây tiết ra mủ trong, đặc, ăn mát” [4].
Gò Kén là địa điểm ở huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Gò Kén là gò đất rộng có mọc nhiều cây kén lá xanh, trái chín như trái hồng đào [2].
Gò Ơi là rạch ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Gò Ơi là “gò có mọc nhiều cây ơi, một loại cây có hạt dùng làm thức uống giải nhiệt, hay mọc trên đất giồng” [7].
Gò Quao là huyện của tỉnh Kiên Giang, diện tích 424,3km2, dân số134.400 người (2006), gồm một thị trấn và 10 xã. Gò Quao vốn có nghĩa là “gò có nhiều cây quao”. Quao là “giống cây lá có chất nhuộm màu đen” [4].
Gò U là kênh ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ở tỉnh này, tại huyện Long Hồ có rạch Cây U. Gò U là “gò có nhiều cây u, một loại cây hay mọc nơi thấp ven bờ sông rạch, tên đầy đủ là u vu” [7].
Gò Vấp là quận của tp.HCM, diện tích 19,7km2, dân số 311.000 người (2006), gồm 16 phường. Địa danh này đã xuất hiện trước năm 1820, được gọi là quận từ năm 1917. Gò Vấp có âm gốc là Gò Vắp, vừa thuần Việt vừa gốc Khmer. Vắp là tên cây, âm gốc làKompăp, một loại cây cứng như lim. Gò Vắp là “gò có nhiều cây vắp” [5].
Rạch Chiếc là cầu bắc qua rạch Chiếc, nằm ở ranh giới các quận 2, 9, Thủ Đức, dài 149,2m, rộng 17,5m, được xây năm 1961. Có người ghi chiết [3]. Rạch Chiếc gốc Khmer, dạng gốc là Prêk Cèk [13], nghĩa là “dòng sông nhỏ có mọc nhiều cây chiếc”– một thứ cây thấp, lá lớn, thường mọc ở vùng nước lợ, lá vị chát, có thể ăn như rau.
Rạch Giá là thị xã của tỉnh Kiên Giang, diện tích 97,7km2, dân số 108.100 người (2006), gồm 11 phường. Có một thời gian là tên tỉnh và cũng là tên vịnh. Rạch Giá là địa danh hỗn hợp Khmer Việt. Rạch bắt nguồn từ tiếng Khmer prêk(dòng sông nhỏ); giá là tên cây. Rạch Giá là “rạch chảy qua vùng có nhiều cây giá”.
Xẻo Sầm là xóm ở xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Xẻo Sầm là dòng nước nhỏ có nhiều cây sầm. Sầmcó nhiều loại. Chưa biết Sầm ở đây là loại sầm gì. Loại sầm thường dùng làm thuốc là sầm tán, cao 1 - 2m, rễ trị bệnh kinh nguyệt quá nhiều, lá trị lậu, bạch huyết, đau mắt [12].
2.3. Sau cùng là tên một số cây song tiết.
Bảy Thưa vừa là tên rạch ở tỉnh Hậu Giang vừa là tên khu rừng to án ngữ phía nam Láng Linh, thuộc huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang xưa, là căn cứ chống Pháp của Trần Văn Thành từ năm 1867 đến 1873. Bảy Thưa là loại cây rừng to. Khu rừng này toàn là cây bảy thưa [6].
Cà Dâm là kinh ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Cũng viết Cà Dăm, Cà Giăm. C Dâm cũng là sông ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ở tỉnh này còn có lộ Cà Dâm (huyện Trà Ôn); lung Cây Cà Dâm (huyện Long Hồ). Cà Dâm là loại cây “gỗ nhỏ có màu nâu, thớ mịn, có thể đóng đồ đạc và làm nhà” [7; 9].
Cà Đuối là rạch ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Có người tưởng lầm viết là Cá Đuối. Cà Đuối là loại cây có “gỗ màu xanh đỏ có lõi màu vàng chanh không bị mối mọt ăn; thân thường được dùng làm sườn nhà, đà đường sắt hoặc đóng ghe thuyền rất tốt” [7].
Cà Săng là địa điểm ở tỉnh Sóc Trăng. Cà Săng gốc Khmer Cro Săng, là loại cây có quả tròn, vỏ dày, ruột trong có chất chua dùng để nấu canh [4].
Cần Giuộc là sông chảy từ Chợ Đệm, tp. HCM, đến cửa Soài Rạp, dài 38km; đồng thời cũng là huyện của tỉnh Long An, diện tích 209,9km2, dân số 154.400 người (2006), gồm một thị trấn và 16 xã. Cần Giuộc gốc Khmer Kantuôt, nghĩa là “cây chùm duột” [13]. Sở dĩ có tên gọi này vì nơi đây cây chùm duột mọc rất nhiều và rất tốt.
Chiêu Liêu là gò ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Chiêu Liêu là loại cây lớn, cao đến 20m, họ bàng, có khả năng chịu hạn. Trên gò mọc nhiều cây này [14].
Chòi Mòi là ấp ở huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu và là kênh ở tỉnh Cà Mau, dài 3,6km.
Chòi Mòi là loại cây thân to, cao 1 – 7m, quả kết thành từng chùm, có vị chua, ăn rất ngon.
Cỏ Ống là mũi đất và sân bay ở phía đông bắc Côn Đảo. Cỏ Ống là loại cỏ thân bộng có đốt, lá mốc, củ cứng, sống dai dưới đất sâu [4].
Củ Chi là huyện của tp. HCM, diện tích 434,5km2, dân số 256.700 người (2006), gồm một thị trấn và 20 xã. Củ Chi trở thành địa danh hành chính năm 1956. Củ Chi là tên gọi dân gian của người Nam Bộ đối với cây mã tiền, một loại cây phổ biến nơi đây, hiện nay vẫn còn.
Củ Chụp là đồi ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Củ Chụp là loại cây có củ ăn được, mọc nhiều ở đồi này [8].
Lâm Vồ là suối ở tỉnh Tây Ninh và là giồng ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Lâm Vồ gốc Khmer Đơ Pô, là cây bồ đề [5;15].
Mái Dầm là chợ ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Cũng viết Mái Giầm. Mái Dầm là “loại cỏ mọc nơi nước mặn, thân dưới bùn sâu, lá như cây dầm bơi xuồng, mo có rìa lông, trái bằng ngón chân cái” [4].
Mít Nài là chợ ở phường An Nghịêp, quận Ninh Kiều, tp. Cần Thơ. Mít Nài là “loại cây cao đến 20m, gỗ cây chôn dưới đất không mục, lá cứng giòn, gân nổi ở bề trái, trái nhỏ, tròn, nhám, dính chùm” [4].
Thai Thai là rạch ở xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, tp. HCM, chảy vào sông Sài Gòn.
Thai Thai là tên một giống bắp ngắn ngày [5].
Thiềng Liềng là rạch ở xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, tp. HCM, dài độ 3.500m. Âm gốc là Thiền Liền. Thiền Liền vốn là tên một loại ngải [5].
Thốt Nốt là huyện của thành phố Cần Thơ, diện tích 171,1km2, dân số 189.600 người (2006), gồm thị trấn Thốt Nốt và 7 xã. Thốt Nốt gốc Khmer To-noot, tên một loại cây cùng họ với dừa, thân thẳng và cao, cho một chất để nấu đường.
Tóc Tiên là núi ở xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cao 432m. Tóc Tiên là loại dây leo nhiều nhánh quấn lấy nhau, lá kép mành có nhiều khía hẹp và sâu, hoa đỏ, lá và đọt ăn được [6].
Xoài Mút là rạch nhánh của sông Tiền, gần tp. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Năm 1785, Nguyễn Huệ đánh thắng quân Xiêm ở rạch này và rạch Gầm. Xoài Mút là một loại xoài nhỏ trái, thơm ngon nhưng xơ nhiều, khi ăn phải mút chứ không gọt được. Ở Nam Bộ hiện nay vẫn còn trồng ở một số nơi. Rạch chảy qua vùng trồng nhiều xoài mút nên mang tên trên.
Xuyên Mộc là huyện của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, diện tích 642,2km2, dân số 120.300 người (2006), gồm thị trấn Phước Bửu và 12 xã. Xuyên Mộc là biến âm của Xương Mộc, tên một loại cây cao lớn, có chất gỗ mịn, trắng, điểm vân màu đen [11].
3. Qua phần trình bày trên, ta thấy rằng nhiều tên cây mang tính đặc sản ở Nam Bộ đã được lưu giữ trong địa danh. Tìm hiểu chúng, ta càng biết tính phong phú về tên cây ở vùng đất mới phía Nam Tổ quốc. Càng hiểu, ta càng yêu vùng đất mà tổ tiên chúng ta đã đổ nhiều công sức giúp cho cuộc sống chúng ta no ấm hơn, hạnh phúc hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Dương Thanh Tùng (chủ nhiệm), Một số đặc điểm cấu thành địa danh ở Bình Phước, Đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên, Trường ĐHKHXH – NV, tp. HCM, 2007.
2. Huỳnh Minh, Tây Ninh xưa, HN, Nxb Thanh niên, 2001.
3. Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quốc âm tự vị, SG, 1895-1896.
4. Lê Trung Hoa, Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam, bản đánh máy, chưa xuất bản.
5. Lê Trung Hoa (cb), Nguyễn Đình Tư, Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, 2003.
6. Lê Văn Đức, Việt Nam từ điển, SG, Khai trí, 1970.
7. Nguyễn Tấn Anh, Những đặc điểm chính của địa danh ở Vĩnh Long, Luận văn thạc sĩ khoa học ngữ văn, Trường ĐHKHXH – NV, tp.HCM, 2008.
8. Nguyễn Thái Liên Chi, Nghiên cứu địa danh tỉnh Đồng Nai, Luận văn thạc sĩ khoa học ngữ văn, Trường ĐHSP, tp.HCM, 2009.
9. Nguyễn Thị Ngọc Bích, Khía cạnh năn hoá của địa danh ở tỉnh Đồng Tháp, Luận văn thạc sĩ văn hóa học, Trường ĐHKHXH-NV, tp. HCM, 2008.
10. Thạch Phương – Đoàn Tứ (cb), Địa chí Bến Tre, Nxb KHXH, 2001.
11.Thạch Phương – Nguyễn Trọng Minh (cb), Địa chí Bà Rịa – Vũng Tàu, HN, Nxb KHXH, 2005.
12.Thanh Chí, Một số địa danh ở Bạc Liêu có nguồn gốc là tên thực vật, Bạc Liêu xưa và nay, Xuân Ất Dậu, 2005, tr. 25 – 26.
13.Trương Vĩnh Ký, x. Lê Hương, Người Việt gốc Miên, tr. 253 – 264. Thái Văn Chải dịch phần Địa danh.
14.Võ Nữ Hạnh Trang, Văn hoá qua địa danh Việt ở tỉnh Đồng Nai, Luận văn Thạc sĩ văn hoá học, Trường ĐHKHXH-NV, tp. HCM, 2006.
15.Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền Nam, HN, Nxb Văn hoá, 1993.
.nguồn: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=910%3Aten-cay-nam-b-i-vao-a-danh-vit-nam&catid=71%3Angon-ng-hc&Itemid=107&lang=vi
=============================
đăng bởi: e.whoiswho
thiếu hình ảnh... ;(((
Trả lờiXóa