Những Chuyện Ly Kỳ Về Con Rắn Hổ Đất Trong Văn Hoá Dân Gian Tây Nam Bộ
Muỗi kêu như sáo thổi
Đỉa lội tợ bánh canh
Cỏ mọc cọng thành tinh
Rắn đồng đà biết gáy
.:.
Đó là những câu ca lưu truyền cách đây trên dưới ba trăm. Theo bước chân người mở cõi ở miệt đất Chín Rồng này, hình tượng con rắn đã in đậm trong tâm thức của họ. Rắn đã trở thành một nét văn hoá trong đời sống của người bình dân Tây Nam Bộ. Trong số các loài rắn thì chuyện vềThầy Ba – tên dân gian dành gọi rắn hổ đất có khá nhiều tình tiết ly kỳ, đượm màu sắc huyền thoại pha lẫn hiện thực. Chúng tôi khảo sát một số nét chính trong số vô vàn những câu chuyện như vậy về rắn hổ đất!
1. Rắn hổ loài bò sát không chân …
Rắn hổ đất tất nhiên cũng như các loài rắn khác, nó là loài động động vật máu lạnh, bò sát - cùng lớp với các loài có vảy như thằn lằn, tắc kè - nhưng không có chân. Toàn thân rắn được bao bọc một lớp vảy cứng. Khoảng 2 - 3 tháng rắn phải thay da một lần. Rắn hổ đất có thân đen bóng, đen mốc (giống màu đất) của nó, có lẽ vì thế dân gian gọi là rắn hổ đất. Ở cổ rắn hổ có “bàn nạo” hình mặt trăng mỗi khi tức giận, rắn ngóc đầu bàn nạo phùng ra, lưỡi khè khè sẵn sàng bắn nọc độc … là lúc rắn dọa kẻ thù khủng khiếp nhất.
Rắn hổ có nhiều loại: rắn hổ đất còn gọi là rắn hổ mang (rắn hổ mang chúa nặng tối đa khoảng 20kg trở lại, lưng có màu vàng, chì, xám, khác với hổ đất – giống nhỏ hơn màu đen mà chúng tôi vừa nói), hổ mây (là giống to lớn nhất, được dân gian gọi là rắn “thần), rắn hổ lửa là loài lai giữa rắn hổ với rắn nước. Nếu hổ lửa có đầu là rắn hổ, mình rắn nước thì chúng có nọc độc chết người. Ngoài ra, còn có những giống khác như: hổ hèo, hổ hành, hổ ngựa, hổ trâu, hổ mèo, …
Thức ăn chính nuôi sống rắn hổ đất là chuột, vì thế nơi nào có nhiều chuột đồng có thể có nhiều rắn hổ để làm cân bằng môi trường sinh thái. Rắn hổ cũng rất ưa cóc, nhái, …
2. Những món ăn từ rắn hổ đất
2.1. Cách bắt rắn
Muốn ăn thịt rắn hổ thì phải … bắt rắn hổ! Cách bắt thông thường nhứt là đào hang. Nhìn vào miệng hang xem nếu bóng láng, đó là rắn thường bò ra vào làm nhẵn đi. Miệng hang nào có màn nhện, không phẳng phiu hang đó không có rắn. Hơn nữa người chuyên nghiệp bắt rắn họ có giác quan rất bén nhạy, linh cảm đoán biết chắc hang nào có rắn, hang nào không.
Người đi bắt rắn có thể dẫn theo chó giỏi săn mồi, hang nào chó ngửi miệng hang và sủa dữ mà mặt mày lắm le lắm lét, chạy xung quanh mà sủa không đứng yên, chắc chắn hang đó có rắn hổ. Chó sủa vang hai chân trước cào xới đất, đứng trước miệng hang vừa sủa vừa tiếp tục cào xới đất, y như rằng, hang đó chỉ có chuột thôi. Bởi chó không "ke" cái họ nhà chuột mà chỉ sợ có rắn hổ đất mà thôi.
Một cách bắt rắn khác nữa là dùng lọp (vật dụng bắt cá làm bằng tre, trúc, có hom) đặt cá nhưng đôi lúc cũng dính luôn “thầy ba”. Có khi đặt lọp trên cạn gần miệng hang rắn hoặc để những vùng cỏ nào mà người ta đoán hoặc thấy có rắn hổ xuất hiện, trong có thả vài con chuột làm mồi nhử, … Thỉnh thoảng rắn hổ đất cũng dính câu cắm, vì chúng ăn mồi nhái (dùng để cắm cá lóc) hoặc ăn cá rô, khi cá đã dính vào lưỡi câu, và mắc lưỡi câu luôn. Rắn hổ, rắn nước cũng có thể dính lưới khi người ta giăng cá, …
Có người quả quyết, nhiều ông thầy bùa, thầy ngãi khi bắt rắn họ làm bùa, đọc chú hay dùng củ ngãi, lá ngãi xát vào tay rồi vỗ lên miệng hang, có rắn hổ trong hang, chúng bò ra nạp mạng, ông thầy bùa, thầy ngãi thộp cổ bỏ vào giỏ "êm ru". Sự thật chưa biết ra sao? …
2.2. Cách làm rắn
Rắn có thể đem đi cắt cổ, lấy máu pha rượu, cũng có thể đập đầu cho rắn chết, kế đó người ta không lột da rắn mà thường làm rắn bằng một trong các cách sau:
Dùng than hoặc rơm rạ khô hơ nhẹ cho lớp vảy tróc ra, không để quá lâu, lửa sẽ làm thịt chín lúc ấy khó làm, và rắn cũng mất ngon.
Hoặc trụn nước sôi: cũng làm tương tự như cách hơ lửa, chỉ có khác là nhúng rắn vào nồi nước nóng, hoặc đang sôi để dễ làm vảy.
Cạo vảy xong, rửa sạch rồi mổ bụng, chú ý, phải lấy mật trước, sau đó mới lấy bộ đồ lòng. Mật rắn hổ quý, bởi dân gian tin rằng nó chữa được nhiều thứ bệnh. Vì thế ai mà làm rắn, nhất là rắn mà làm bể mật coi như chưa phải là “cao thủ” trong “nghề ăn chơi!”
Trong những bữa nhậu thịt rắn, người ta lấy mật rắn hổ hòa với rượu đế, mỗi người uống một ít khi mở đầu tiệc nhậu. Không ai dám nuốt nguyên một cái mật rắn hổ cả, vì như thế rất bị "hàn" (nguy hiểm đến tính mạng), mỗi người san sẽ một chút “thần dược” mà thôi!
Khi làm thịt nó, trước hết người ta chặt bỏ cái đầu, lấy một cây que vót nhọn đâm vào và đem chôn ngay, không thì phải dùng dao bằm nát, hoặc bỏ vào lửa đốt đi. Tránh chuyện mãi mê lo làm rắn, quên cái đầu ấy (thực ra nọc độc vẫn còn, tay chân trầy xước, tróc da, vướng vào răng nó lúc ấy vẫn an nguy đến tính mạng như thường), rắn mối, rắn nước hay chó mèo, gà vịt tha đi sẽ rất nguy hiểm. Dân gian còn lưu truyền nhiều giai thoại về việc rắn trả thù, chúng tôi sẽ nói ở phần sau. Ngay cả khi ăn thịt rắn hổ phải chú ý tách xương ra, xương cũng phải chôn cẩn thận vì nếu ai đạp phải xương rắn hổ, chân sẽ bị làm độc, sưng nhức khó chịu.
2.3. Các món ăn
2.3.1. Rắn hầm sả
Rắn làm sạch chặt thành từng khúc, sả ớt băm nhuyễn, một số lá sả cuộn tròn, gia vị, …
Bắc nồi lên bếp cho nóng, phi ít mỡ heo với sả ớt đã băm nhuyễn cho thơm. Đổ thịt rắn vào đảo đều cho săn. Đổ nước săm sấp rồi bỏ lá sả, cọng sả xắt khúc vào, đậy nắp cho kín, chụm lửa cháy đều, vừa, cho nước hầm sôi đều đến khi thịt rắn mềm, là ăn được.
Nêm nếm không quá mặn để dùng nước của món ăn này chan với cơm, làm canh vừa tiện vừa ngon. Nước chấm là nước mắm mặn, hoặc nước tương.
2.3.2. Rắn nấu cháo
Độc chiêu là rắn hổ đất xé phay với cháo đậu xanh cà ăn rất mát, ngon hết ý. Rắn hổ làm sạch, chặt ra làm hai hay làm ba bốn khúc nấu cháo với đậu xanh cà. Gạo nấu cháo phải chọn gạo nàng thơm mới, có nhiều nhựa càng tốt. Muốn nồi cháo rắn hổ thêm ngon, cần phải có thêm nước cốt dừa. Khi thịt rắn thật chín, người ta lấy rắn ra để nguội, dùng tay xé tách thịt để vào một cái dĩa to hoặc trong cái thố lớn, hành củ thái mỏng ngâm giấm có thêm một ít đường cát, để một lát cho thấm giấm, đem trộn với thịt rắn , rau răm xắt nhỏ rải lên cùng với đậu phọng rang đâm nhuyễn, rắc nhiều tiêu và hành, ngò rí. Muốn ăn nồi cháo rắn hổ cho ngon là phải ăn thật nóng, tiêu phải đủ cay. Cháo rắn hổ để nguội sẽ tanh và ăn không ngon. Nhâm nhi ly rượu đế với chén cháo rắn thì ngon miệng không gì bằng.
Cần chi cá lóc cá trê
Thịt chuột thịt rắn nhậu mê hơn nhiều (Ca dao)
2.3.3. Rượu rắn hổ
Có hai loại:
Dễ làm nhất là khi làm thịt rắn hổ, người có kinh nghiệm sẽ dùng dao cắt cổ rắn lấy máu pha vào rượu để uống cùng với thịt rắn sau khi chúng được chế biến xong, như đã nói qua các món ăn ở trên.
Hai là, rắn hổ còn sống bắt về thả vào keo, đổ rượu trắng nặng độ vào, cho ngập mình rắn. Rắn sẽ nhả nọc ra rồi chết. Rượu này để khoảng 3 tháng đem ra uống dù có mùi tanh, nhưng theo các các lão nông tri điền thì đây là phương thuốc trị mỏi gối đau lưng, thận hư, khí nhược. Cũng bằng cách ngâm rắn, nhưng có thêm rắn ráo, rắn cạp nong (mái gầm có khoang vàng và đen) ngâm chung được gọi là tam xà tửu, thêm rắn lục và cạp nia (cũng là mái gầm nhưng có khoang đen và trắng) vào gọi là ngũ xà tửu. Có điều là các loại rắn này thường được làm sạch, nướng vàng rồi mới cho vào ngâm chớ không để nguyên thuỷ ngâm sống như cách ngâm rắn hổ đất đã nêu trên. Tam xà, ngũ xà đều là rượu thuốc dùng để trị bệnh suy nhược cơ thể, ít người dùng rượu này uống đến say.
3. Rắn hổ trong câu chuyện ly kỳ và kinh nghiệm dân gian vùng sông nước Tây Nam Bộ
Có lẽ do đây là con vật đã từng gây ra cái chết cho con người. Vì thế, xung quanh nó cũng có quá nhiều chuyện ly kỳ, được dân gian miêu tả từ thực tế và cũng có không ít trong số đó được thêu dệt nên.
Người đi ruộng vườn thấy rắn hổ ít ai dám kêu tên mà người ta thường gọi là … Thầy Ba như chúng tôi đã nói ở đầu bài viết này.
Những bậc cao niên ở đây thường hay kể câu chuyện rắn báo thù, cùng môtif, nhưng có những tình tiết khác nhau. Xin dẫn lại một số trong rất nhiều “dị bản” ấy.
Chuyện kể có người nông dân nọ đi đắp bờ ruộng. Tình cờ anh xắn đứt đuôi con rắn hổ đất. Đến trưa, anh về nhà, từ trên nóc nhà “rớt” xuống phần đầu con rắn hổ. Và nó “mổ” anh chết tươi!
Chuyện khác, một lần, có một người nông dân sau khi làm rắn ăn nhậu no say, tối chun vô "nóp" ngủ, sáng người nhà phát hiện, ông ta nằm chết cứng ngay đơ, người ta tìm thấy một cái đầu rắn hổ cạnh bên cổ ông ta và lưỡi rắn còn lè ra. Nhiều người quả quyết một con rắn mối tha cái đầu rắn vào nóp để trả thù ông nông dân nầy đã giết họ nhà rắn của chúng, ...
Có thầy bắt rắn đại tài. Hổ mang, hổ chúa, thậm chí hổ mây dữ tợn, … đều bị thầy quy phục. Thế rồi, một hôm, ngủ dậy, trên giường bước xuống, vừa đưa chân vào đôi dép để dưới chân giường, thầy bị con rắn nhỏ bằng mút đũa cắn. Lát sau, đờm trào lên, cứng hàm, rồi chết! Trước đó, thầy còn trăn trối cho vợ con biết rằng: thầy bắt rắn thì sẽ chết vì rắn thôi! Không cứu được đâu! …
Dân gian kể rằng, có một anh đi cắm câu, tình cờ bị rắn hổ cắn trúng ngón tay, sẵn mác trong tay, anh bậm môi chặt bỏ mấy lóng tay chỗ rắn cắn. Về nhà băng bó, đã khoẻ. Mấy hôm sau, ra chỗ hôm nọ, tình cờ thấy ngón tay bị chính mình chặt bỏ còn nguyên, không bị huỷ hoại, thấy tiếc, anh nhặt về, tháo vết thương ra rịt nối lại. Không ngờ nọc rắn còn nguyên, chạy qua người, anh ta chết tươi, …
Người ta còn quả quyết rằng đập được rắn hổ xem đuôi của nó sẽ biết nó có “cắn” người nào chưa? Bởi dân gian cho rằng mỗi khi cắn người, rắn hổ tự cắn đuôi nó để … làm dấu!
Đàn bà có chửa hễ gặp rắn hổ đất là rắn không thể đi được. Nó cứ nằm im “chờ chết” như thế. Nhưng nếu không biết, chẳng may bị nó “táp” thì không thầy nào cứu được!
Rắn hổ trầm nọc: dân gian cho rằng khi mùa nước cạn, (khoảng tháng mười đến tháng chạp) rắn hổ thường xuống lung, bàu, trầm nọc. Lúc này rắn hổ đất rất nguy hiểm, bởi độc tố trong nọc của nó tăng cao.
Bìm bịp bắt rắn hổ bỏ vào ổ: Bìm bịp là loài chim mà theo dân gian thì ngâm thuốc sẽ trị được nhiều bệnh về gân cốt. Để có bìm bịp như ý, người ta thường tìm gặp ổ chúng. Khi ổ bìm bịp có chim con, người ta không vội bắt ngay mà thường hay bẻ giò chúng. Chim mẹ sẽ tha thuốc về chữa vết thương cho chim con (theo dân gian, thuốc đó rất quý, và có vậy thì chim bìm bịp con dùng ngâm rượu sau đó mới có giá trị), nhưng một lần, hai lần thấy con bị gẫy chân, bìm bịp sẽ tìm tha rắn hổ đất về bỏ vào ổ. Con người không biết, thò tay vào bắt chim con, sẽ bị rắn cắn chết ngay!
Ổ ong vò vẽ có rắn hổ. Vò vẽ là loài ong có nọc cực độc. Người bị nó “đánh” (chích) nhiều, sẽ sưng mình, mờ mắt và có thể tử vong. Ong vò vẽ chống càn cũng đã từng đi vào gia thoại thời chống Mỹ cứu nước. Dân gian cho rằng, trong tổ ông vò vẽ thường có rắn hổ. Nên khi lấy ổ loài ong này phải hết sức chú ý. Người ta tin rằng nọc ong độc là do rắn hổ truyền cho nó.
Trong làng, chẳng may có người bị rắn cắn mà không cứu kịp, ít khi người ta tẩn liệm và chôn gấp, bởi theo dân gian biết đâu phước chủ may thầy, gặp được “quới nhơn”, giúp sẽ qua khỏi, thậm chí người ta còn kể câu chuyện ly kỳ rằng, có người bị rắn cắn chết, gia chủ vội vàng tẩn liệm và mang chôn, bỗng trong quan tài nghe tiếng rên, cạy nắp áo quan ra, thì thấy xác chết lật nghiêng lại, … Tất cả, điều hoang đường! Khoa học có thể lý giải rằng nọc rắn gây ra cái chết lâm sàng trước khi chết vĩnh viễn!
Thịt rắn hổ kỵ thớt me: khi làm thịt rắn hổ, tuyệt đối không được dùng tấm thớt làm bằng gỗ me để xắt, chặt. Theo dân gian hai thứ này “đại kỵ”, nếu không hiểu vô tình “phạm” phải, người ăn thịt rắn hổ ấy sẽ khó qua khỏi!
Cháo rắn kỵ bồ hóng: khi nấu cháo rắn hổ, dân gian còn tuyệt đối cấm kỵ không để cho bồ hóng lọt vào. Bồ hóng là những sợi màu đen hình thành do quá trình của khói bếp bám vào dây, lạt (những thứ dùng để lợp nhà, ở miệt sông nước này). Nếu bồ hóng rớt vào nồi cháo, người không biết ăn vào cũng … tắc tử!
Đầu rắn hổ luyện cá lia thia: lia thia đồng ẩn mình dưới các bụi cỏ, lúa, ẩn trong bẹ dừa nước (loại cây mọc hoang ven sông) sau khi mùa mưa bắt đầu một hai tháng. Chúng được lũ trẻ hớt về, bỏ vào keo chao, vào miễn dùa chăm sóc, cho cá ăn loăng quăng để bớt muỗi. Khi cá đã khoe sắc rực rỡ (chỉ có cá trống mới được đem về nuôi vì chúng biết đá và đẹp!) chiều chiều năm ba đứa có cá rủ nhau đá cá để coi chơi. Muốn cá lia thia dữ tợn, đá đâu thắng đó, dân gian tin rằng phải cho nó ăn dòi sinh từ đầu rắn hổ, … Sự thật cũng rất khó kiểm chứng, … Người lớn tuổi cũng hay rày dặn trẻ con khi hớt cá này phải chú ý bởi nhiều lúc bọt của rắn hổ trầm nọc nổi lên, không biết nhìn tưởng là bọt cá … đưa tay xuống thì sẽ rất nguy hiểm!
Đập rắn, dân gian truyện miệng câu tục ngữ: đập rắn phải đập ngay đầu rắn. Xem ra lời dạy này không sai cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng đôi lúc trong thực tiễn, người ta vận dụng khác đi đôi chút để đạt hiệu quả cao nhất.
Đập rắn hổ, người ta phang cây ở ngang tầm cổ (khi nó đang phùng mang, khè nọc), chỉ cần chạm nhẹ, rắn cũng ngả ra, và lúc ấy con người dễ dàng khống chế nó. Hơn thế, đầu rắn đập rất khó trúng, mà không trúng thì nguy hiểm, nên cách tốt nhất khi đập bất cứ loại rắn nào cũng nhè ngay xương sống nó, đập mạnh, dứt khoát, rắn gãy xương sống sẽ mất 80% khả năng nguy hiểm, lúc đó nó không bò được nữa!
Đối với người không may, bị rắn cắn, do tính chất nguy hiểm người ta truyền rằng: Mái rầm tại chỗ, rắn hổ về nhà. Người bị rắn cắn phải buộc dây buộc chặt ngay phía trên vết cắn để chặn nọc. Tuyệt đối không để đàn bà có chửa (mang thai) đến thăm, không để nạn nhân chun qua cầu, nạn nhân cũng không được hút thuốc lá, … bởi như vậy sẽ không cứu được. Nạn nhân thường rất ít đến bệnh viện mà thường tìm đến các thầy thuốc rắn, chữa trị bằng cái loại lá cây bí truyền.
Còn cách lấy cỏ màng trầu hoặc rau răm, nhai nhuyễn, nhổ nước vào miệng nạn nhân, lấy bả đắp lên chỗ bị rắn cắn, …, mọi người biết rộng rãi nhưng tất nhiên hiệu quả không cao.
Một số nhà, phía trước sân có trồng cây “nọc rắn” (có người gọi là cây lưỡi rắn), loại cây nhỏ, thân gần vuông, lá có hình thon dài, màu xanh sẫm, không có lông, cao khoảng 2 – 5 tấc tây. Nếu có người chẳng may bị rắn cắn, hái nắm lá giã nhỏ cho uống, xác đắp vào vết cắn sẽ hữu hiệu, …
4. Kết luận
Rắn hổ là loài động vật hoang dã tồn tại trong thiên nhiên, và lẽ tất nhiên nó không thể tách khỏi đời sống con người. Rắn hổ ăn chuột, thứ gậm nhắm là kẻ thù của đồng ruộng, giúp cân bằng môi trường sinh thái.
Rắn hổ được con người chế biến làm thức ăn, làm rượu rắn vừa bổ dưỡng vừa để chữa bệnh. Nọc rắn được các nhà khoa học sử dụng chế biến ra nhiều dược liệu quý hiếm phục vụ con người.
Rắn cũng đi vào đời sống, sinh hoạt văn hoá dân gian của người đồng bằng. Từ lời ca, điệu hò, câu lý, đến những truyền thuyết, cổ tích, giai thoại, … rắn ít khi vắng mặt. Hình tượng con rắn trong dân gian thường tượng trưng cho hạng người xấu, lòng sâu dạ hiểm, cần phải tránh xa nơihang hùm nọc rắn, hay hạng người như Sư hổ mang … !
Rắn độc cũng rất nguy hiểm, con người cần đề phòng và có biện pháp phòng tránh, đặc biệt người dân quê thường hay đi đêm đến những môi trường mà rắn thường ẩn núp, …
Cách chữa trị rắn cắn trong dân gian bằng những thứ lá cỏ, vỏ cây không phải là không có thật, song nó lại được bao phủ bởi quá nhiều giai thoại ly kỳ đến huyễn hoặc. Hơn nữa, các thầy thuốc rắn thường cho rằng phương thuốc của mình bí truyền, ít người biết, … Những người có trách nhiệm cần có hình thức vận động họ để sưu tầm và phổ biến những cách thức, những vị thuốc quý để cứu người!./.
nguồn: http://www.vanchuongviet.org/.
.
=============================
đăng bởi: e.whoiswho
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
rất mong được sự góp ý của các bạn, kiến thức là vô hạn...!!!