SGTT.VN
- Ca dao có câu “Gần nhà mà chẳng sang chơi/ Ðể anh ngắt ngọn mồng tơi
bắc cầu”. Xưa là vậy, còn nay chàng trai nào muốn “cưa đổ” nàng có lẽ
cách hay nhất là ngắt ngọt mồng tơi… nấu canh mời nàng! Bởi mồng tơi
không những là món ăn dân dã, ngon lành trong mùa nắng nóng mà từ lâu
còn được dùng như thuốc chữa bệnh.
Rau mồng tơi. Ảnh: T. Như
|
Đông y ghi nhận toàn cây mồng tơi có vị ngọt nhạt, tính hàn, tán nhiệt, mát máu, lợi tiểu, giải độc, tiếp cốt chống đau, làm nhuận da, hoạt trường, không độc.
Theo Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, mồng tơi còn có tác dụng hoạt thai giúp dễ sinh. Riêng lá mồng tơi có vị chua, ngọt, tính mát; có tác dụng hoạt trường, thông đại tiểu tiện.
Tây y cho biết mồng tơi chứa nhiều vitamin (chủ yếu là vitamin A3 và B3), chất saponin, protein, canxi, sắt... Đặc biệt chất nhầy (pectin) trong mồng tơi rất quý để phòng chữa nhiều bệnh: có tác dụng nhuận tràng, thải chất béo, thích hợp cho người có mỡ và đường cao trong máu.
Mồng tơi thường được dùng làm thức ăn như rau cho người bị táo bón, người đi tiểu ít và đỏ, phụ nữ đẻ xong ít sữa. Dùng tươi giã đắp chữa được sưng đau vú. Hạt dùng sắc lấy nước rửa chữa đau mắt. Tán bột hoà với mật ong bôi lên mặt giúp da mặt mịn màng, hoặc dùng thoa trị rôm sảy. Nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan còn dùng mồng tơi làm thuốc trị lỵ, đại tiện bí kết, viêm bàng quang, viêm ruột thừa; trị ngoại thương, xuất huyết, bỏng lửa; điều trị bệnh lậu và viêm quy đầu; trị nấm lang ben, gàu...
Chú ý phải rửa sạch mồng tơi trước khi ăn. Rau mồng tơi có tính mát lạnh, người hay bị lạnh bụng đi ngoài cần cẩn thận khi dùng. Để bớt lạnh, nên nấu kỹ hoặc phối hợp với các thức ăn có nguồn gốc động vật.
ThS.BS Võ Thị Thu
(giảng viên bộ môn đông y, học viện Y học cổ truyền Việt Nam)
(giảng viên bộ môn đông y, học viện Y học cổ truyền Việt Nam)
.
=============================
đăng bởi: e.whoiswho
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
rất mong được sự góp ý của các bạn, kiến thức là vô hạn...!!!