3 thg 4, 2012

Những khu chợ độc đáo đất Nam Bộ

Ở Nam Bộ có nhiều loại chợ thật lạ lẫm. Ngoài những chợ lớn và hiện đại như các chợ Bến Thành, An Đông, Bà Chiểu, Tân Bình, Cầu Muối, Tân Định… ở thành phố Hồ Chí Minh, còn hầu hết các chợ ở miền Tây Nam Bộ đều họp trên sông nước, ở các ngã ba, ngã tư kênh rạch với nhiều loại hàng hoá đặc trưng của miệt vườn…


1. Chợ nổi Gành Hào (Cà Mau)

Chợ họp trên một khúc sông dài cả cây số. Hàng hàng, lớp lớp ghe thuyền đủ cỡ đậu san sát. Chiếc này tựa vào chiếc kia thành một cầu phao nổi. Khách đi chợ có thể đi từ ghe này sang ghe khác, cách nhau hàng trăm mét mà không phải lên bờ, xuống nước. Trên mỗi đầu ghe, người ta cột mấy cây sào dài, ở đó có treo lơ lửng những món hàng có trên ghe, mỗi thứ một ít gọi là hàng mẫu. Có ghe thì treo các loại khô cá, khô tôm, khô mắm… Nhiều loại thực phẩm như heo, gà , vịt, cua, cá… mà lạ nhất là những hàng sống mà vẫn treo lên như thế…


Chợ nổi Cà Mau

Người ta đi sắm Tết cứ chèo thuyền đi xem hàng rồi ngã giá. Chợ nổi vào những ngày cuối năm thật đông vui và ghe thuyền cứ lách nhau mà đi, chật cứng như nêm trên sông nước.
 
2. Chợ trôi Năm Căn (Cà Mau)
Đặc điểm của chợ trôi là người mua sắm cứ việc ngồi tại nhà, cửa hàng nổi sẽ trôi đến
Chợ ở thị trấn Năm Căn là chợ huyện ở tận cùng đất nước nhưng rất sôi nổi và sung túc vào bậc nhất của đất mũi Cà Mau. Chợ ở đây rất độc đáo mang tên là chợ trôi. Hàng ngày, các cửa hàng, cửa hiệu là những chiếc ghe nhỏ len lỏi khắp các sông rạch hẻo lánh mang đến cho người dân ở vùng sâu Năm Căn những cái kim, sợi chỉ, bó rau cho đến những món hàng cao cấp. Đặc điểm của chợ trôi là người mua sắm cứ việc ngồi tại nhà, cửa hàng nổi sẽ trôi đến, giá cả không đắt bao nhiêu so với hàng ở chợ thành phố. Hơn nữa, chợ trôi còn có hình thức “mua trước, trả sau”. Không tiền vẫn cứ mua, chuyến sau sẽ trả rồi mua sắm tiếp.

Những ngày giáp Tết, chợ trôi càng hoạt động càng rộn rịp. Ngoài những mặt hàng thông dụng còn có cả hoa, cây cảnh, tranh lịch, bàn ghế… Ngành dịch vụ cũng góp mặt bằng các ghe chuyên uốn ép tóc, hớt tóc, sơn móng tay, móng chân, gội đầu và bán cả nước hoa, mỹ phẩm.

3. Chợ rắn Phụng Hiệp (Cần Thơ)

Đây là chợ lâu đời và đặc sắc nhất ở Nam Bộ, chuyên bán đủ các loại rắn và rượu rắn, sau đó là rùa, ba ba, chuột, chim chóc… Nhiều nhất là rắn, đủ cỡ, đủ loại và cũng đủ giá tiền.

Chợ rắn Phụng Hiệp chỉ dài độ 500m, nằm dọc theo tuyến quốc lộ 1A, từ Cần Thơ đi Sóc Trăng nhưng rất sầm uất, nhộn nhịp. Ở đây có thể mua bất cứ loại rắn nào, từ chú rắn lục xanh nhỏ xíu, lớn bằng chiếc đũa cho đến chú trăn nặng đến 100 kg. Chợ rắn Phụng Hiệp còn cung cấp các loại rượu rắn gia truyền thượng hảo hạng, ngâm đủ loại rắn cùng với tắc kè, bìm bịp. Chẳg hiểu nó giá trị đến mức nào mà hàng ngày khách mua tứ xứ về đây nườm nượp. Chợ rắn ngày Tết, cảnh mua bán còn náo nhiệt hơn cả ngày thường, chứng tỏ sắm món ăn Tết không thể bỏ qua món rắn, loại đặc sản nổi tiếng của vùng sông nước Nam Bộ.

4. Chợ ma Lấp Vò (Đồng Tháp)

 
Chợ ma Lấp Vò
Chợ này tồn tại như bao năm qua và người ta gọi là chợ ma. Thật ra, đó là chợ chiếu Định Yên. Chợ nằm trên một đoạn sông dài về bên làng chiếu truyền thống nhưng đặc biệt là không họp ban ngày, chỉ họp vào ban đêm. Càng về khuya chợ càng nhộn nhịp đông vui.

Ở làng chiếu, ban ngày họ chủ yếu lo dệt ra sản phẩm. Đến ban đêm thì họ mang hàng ra bày bán ở chợ. Còn ở dưới bến thì ghe thuyền các nơi đến đậu san sát chờ lấy hàng. Điểm đặc biệt ở đây, người bán hàng chỉ thắp lên ngọn đèn dầu leo lét, còn người mua thì phải dùng đèn pin để chọn hàng. Chợ ma Lấp Vò nhóm đến trước giờ giao thừa mới rã để người nghèo cuối năm có thì giờ mua sắm cho ngày Tết.
Chợ chữ Sài Gòn

5. Chợ chữ Sài Gòn

Hằng năm cứ đến rằm tháng chạp trở đi, người ta bắt đầu họp phiên chợ chữ trên đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Chợ chữ mỗi năm chỉ nhóm có một phiên Tết kéo dài 15 – 30 tháng Chạp. Chợ chữ bán đủ loại câu đối, liễn, đại tự, thư pháp trên lịch hay trên thiếp. Trong những năm gần đây, phong trào chơi thư pháp dưới dạng lịch, thiếp ở thành phố rất thịnh hành. Người viết chữ phần lớn xuất thân từ dân kiến trúc, một số là các thầy đồ lớn tuổi. Vì là chợ, có nhiều người viết cho nên giá chữ cũng có vẻ nhẹ nhàng.

Chợ chữ có đến gần 50 ông đồ “bày mực tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua”. Chen giữa phố là những lều, quán che nắng mưa “tự biên tự diễn”, chỉ vừa gọn cho một người, một chiếc bàn kê độc nhất để bày giấy đỏ, mực tàu, vài chiếc ghế nhỏ để khách đến ngồi tạm và treo đầy những chữ.

Theo thông lệ , trước ngày 23 tháng chạp người ta bắt đầu đi chợ thuê viết bài vị Táo quân, Thần Tài để thay thế những bài vị cũ. Cận Tết, người ta đi thuê viết những liễn, đối, những lời chúc tụng, cầu an, cầu phúc rồi đem về treo trong nhà. Có đi chợ chữ mới biết. Thôi thì đủ kiểu chúc, đủ kiểu mừng, ai làm nghề gì thì mua cho hợp với nghề nấy. Tất cả đều viết trên giấy hồng điều, bởi người ta thích màu đỏ để mong cho năm mới gặp nhiều may mắn, phát tài, phát lộc, vạn sự hanh thông.

Tuỳ theo chiều dài của câu đối, câu liễn, giấy tốt hay vừa, uy tín của người viết chữ mà giá tiền công xê dịch từ 5.000đ – 40.000đ/cặp, hay đại tự thì từ 1000đ – 2000đ/chữ. Với chủ yếu làm nghề bán chữ, phiên chợ chữ ngày Tết là dịp làm ăn có khi thu lợi bằng cả năm.

Chợ chữ tuy nhỏ, gọn, nhưng từ lâu trở thành nơi sinh hoạt mang đậm nét văn hoá trong những ngày cuối năm ở thành phố.
Huyền Anh
YeuDuLich.vn

Nguồn: quehuong

.
=============================
đăng bởi: e.whoiswho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

rất mong được sự góp ý của các bạn, kiến thức là vô hạn...!!!

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...