TT - Dạo bước nhà ông, tôi ngờ ngợ có cái gì đó mâu thuẫn. Cửa cổng kiểu Bắc xưa bằng mái ngói Bát Tràng. Ấy vậy, ngay cạnh lại lồ lộ tấm pin mặt trời hiện đại. Trong nhà ông đầy đồ cổ, đồ xưa từ những quyển sách bạc màu thời gian đến các trà cụ, binh khí, nhưng ngay phía trên là tấm pin mặt trời rộng bằng cả mái nhà...
Ông Trịnh Quang Dũng (trái) trong một buổi trà đàm với GS Trần Văn Khê - Ảnh: tư liệu |
Sốc hơn, tủ điện tử hòa điện mặt trời vào điện lưới hiện đại nhất nhì TP.HCM án ngữ ngay cửa nhà. Thế nhưng chỉ vừa bước qua cái thứ văn minh của thế kỷ 21 ấy, mắt tôi lại bị hút ngay bởi bức tranh Đông Kinh (Hà Nội) một thời vàng son từ tận thời nhà Trịnh choán gần nửa bức tường...
Thư thả pha ấm trà đặc sản Hồng Mai mà không phải ai cũng được nếm thử, ông như hiểu cảm giác tôi, cười nhẹ nhàng: “Mình là dân khoa học nhưng tôn thờ văn hóa truyền thống. Đó là nguồn gốc cội rễ, long mạch của mọi thứ văn minh hôm nay”. Tôi bật cười đồng cảm. Cuộc trà đàm cứ ngẫu hứng miên man trong thư phòng bạc màu cổ xưa được rọi sáng bằng điện mặt trời.
Nhà khoa học thích phiêu du
"Nếu không có nền văn minh sâu đậm thì dân tộc này chắc chắn sẽ khó thể đứng vững được đến hôm nay"
Trịnh Quang Dũng
|
Năm 1975 về nước ông đi làm truyền hình. Rồi chỉ được vài năm, máu phiêu du lại đưa đẩy ông đi học tiếp sau đại học ngành vật lý bán dẫn ở Viện Vật lý Tiệp Khắc. Năm 1987, ông lại trở về và thuộc lớp người tiên phong nghiên cứu, triển khai các nguồn năng lượng mới, đặc biệt là điện năng lượng mặt trời. Thuở ấy, nguồn năng lượng vô tận này không còn xa lạ ở châu Âu, nhưng VN vẫn mới mẻ. Ông phải trình bày, thuyết phục và phải tiên phong làm thử cho mọi người thấy hiệu quả của nguồn năng lượng sạch bất tận này. Chính nơi ở của ông trở thành ngôi nhà điện mặt trời hiếm hoi tại TP.HCM không cần điện lưới mà vẫn sáng rực ánh đèn, chạy máy lạnh, tủ lạnh, tivi suốt ngày. Trong điều kiện khan hiếm thiết bị trong nước, ông trở thành người vừa chế tạo, sản xuất, vừa là người thi công. Trên tường nhà ông có gần 10 huy hiệu, bằng khen trong nước và quốc tế trao tặng các giải thưởng năng lượng mới.
Bây giờ các công trình điện mặt trời của ông đã có mặt nhiều nơi từ nhà dân, khu du lịch đến trường học, bệnh viện, tàu biển. Sắp tới ông còn triển khai dự án nhà máy điện mặt trời đầu tiên ở VN.
Thế nhưng suốt buổi trà đàm chiều đầu năm, ông có vẻ không “máu” lắm với cái nghề tay phải kiếm cơm này, mà cứ say sưa chuyện đời, chuyện chơi. Cái “thú chơi” mà ông chỉ cho rằng độc hành lãng du để thỏa một kiếp nhân sinh, dù sự thật đó là những công trình nghiên cứu sâu sắc thật sự, thậm chí là người đi tiên phong.
Cầm cuốn Văn minh trà Việt dày gần 300 trang, ông cười kể: “Lúc đầu tôi đâu có định nghiên cứu nghiên kiếc gì đâu. Mình dân gốc Hà thành, biết pha trà cho bố từ tấm bé, rồi biết uống trà, đi xa quê hương nhớ trà nên nể bạn báo bổ, viết trà xuân cho vui. Thế mà một nhà xuất bản tình cờ đọc lại đâm mê, liên hệ nhờ viết cuốn sách về trà Việt. Lúc đầu họ nói chỉ 100 trang là đủ, thế nhưng tôi viết gấp đôi vẫn chưa thấy đã và cuối cùng dày 300 trang”.
Nhấp ngụm trà Hồng Mai nồng nàn, tôi nhẹ giở sách ông và bất ngờ với những gì nghiên cứu, viết trong đó. Có thể khẳng định đó là một công trình nghiên cứu dày dặn nhất hiện nay về lịch sử văn minh trà Việt. Không chỉ đi sâu vào các loại trà danh tiếng xưa nay, cách thưởng trà lẫn trà cụ khắp nơi, ông còn nghiền ngẫm các quan điểm, triết lý về trà mà đặc biệt là phát hiện mới về lịch sử thâm sâu đầy tự hào của trà Việt.
Đi tìm nền văn minh Việt
Ông Trịnh Quang Dũng châm trà hồng mai, một loại trà tưởng đã thất truyền nhưng ông mày mò tìm ra và giới thiệu trên Tuổi Trẻ Xuân 2012 - Ảnh: Q.V. |
Ông dẫn chứng chính Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (1767-1782) đã triết lý thật giản đơn nhưng uyên thâm: muốn thưởng thức được trà ngon hãy làm nô bộc cho trà. Không rườm rà bay bướm, quá đề cao ngoại thức như một số triết lý khác, ông chúa Việt này có triết lý thưởng trà sắc đọng, tinh tế, đi sâu vào bản chất nội tại vốn đã vô cùng đậm đà, tuyệt mỹ của trà. Thật ra đó cũng là nhãn quan của bậc đã đạt thiền mà khởi bước thường “phóng đại” thấy núi không phải là núi, nhưng khi đã ngộ rồi lại trở về với đúng chân giá trị thấy núi lại là núi, sông lại là sông.
Mải mê triết lý trà nô của người Việt, ông lần giở lại chính những trang viết của cụ Vương Hồng Sển: “Chúa Trịnh Sâm là người có nghệ thuật thưởng trà khó ai bì kịp. Chúa thường tự xưng mình là trà nô và tôn vinh ý tưởng trà nô - tửu tướng, có nghĩa là uống rượu thì thật sang trọng và oai phong, uống như đại tướng vừa thắng trận ban sư hồi trào, có quân hầu tiền hô hậu ủng, có ca nhi chuốc rượu hiến tửu; nhưng trái lại ẩm trà thì phải tự coi mình như là nô bộc của thứ đồ uống thanh nhã này”.
Gặp Trịnh Quang Dũng vài lần ở lễ hội, hội thảo về trà và biết trước một ít về người đi đầu trong ứng dụng điện mặt trời ở VN này, tôi có cảm giác ông là “kẻ phong lưu hay gây sốc”. Đem ý này ra hỏi ông, chỉ nghe tràng cười sang sảng mà không có câu trả lời. Một con người mỗi ngày đi làm ngẩng cao đầu với ước mơ khoa học phổ biến điện mặt trời, nhưng về nhà lại cắm đầu với những giá trị nguồn cội của gói trà này, ấm trà nọ, của những trang thơ xưa, cung kiếm cổ.
Lắm người biết tiếng Trịnh Quang Dũng với ngôi nhà điện mặt trời, nhưng ít ai hay ông còn là nhà nghiên cứu có bút lực rất đáng nể. Viết cả một cuốn sách về Văn minh trà Việt. Vâng. Đúng rồi. Nhưng là chuyện nhỏ. Trong cái tủ ngổn ngang tài liệu, bản thảo, tôi giật mình xem ông đã viết hàng trăm trang về Hội An dưới “lớp bụi” 400 năm, Phố Hiến, hai thế kỷ quan hệ Việt - Mỹ, những cây cầu xưa, chợ cũ, cổ thư... Toàn là những đề tài bạc màu thời gian nhưng đòi hỏi đam mê và sự nghiên cứu rất thấu đáo, để ôn cố tri tân, nhắc chuyện xưa mà mục đích là gửi thông điệp đến mai sau.
Vuốt thanh kiếm cổ của các bậc anh hùng nước Việt xưa được ông sưu tầm, trưng bày ở vị trí trang trọng, nhà khoa học điện mặt trời mênh mang tâm sự: “Chuyên môn của tôi là phát triển năng lượng mới. Nhưng tâm huyết của tôi và những gì nghiên cứu, viết ra là muốn gửi đến các bạn trẻ tinh thần tự hào dân tộc. Một dân tộc đã đương đầu, vượt qua được biết bao sóng gió thời cuộc, trước những kẻ thù thâm độc, tàn bạo và tưởng chừng như mạnh mẽ nhất. Nếu không có nền văn minh sâu đậm thì dân tộc này chắc chắn sẽ khó thể đứng vững được đến hôm nay...”.
Nhấp tách trà Việt nóng, tôi lặng nghe ông tâm sự mà cảm giác như hồn thiêng dân tộc đang phảng phất ở đâu đây...
QUỐC VIỆT
Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Anh quan tâm đến mọi khía cạnh cuộc sống”
Anh Trịnh Quang Dũng là một nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ năng lượng mặt trời, nhưng ít ai ngờ anh còn là một người hết sức say mê với những giá trị văn hóa truyền thống. Tôi biết đến, được đọc và học hỏi anh rất nhiều là từ công trình nghiên cứu trà Việt của anh.
Một nhà khoa học công nghệ đam mê theo đuổi những công trình nghiên cứu về văn hóa truyền thống thì có gì mâu thuẫn không? Có lạ không? Tôi nghĩ là không. Nếu đã tiếp xúc với Trịnh Quang Dũng, đọc những điều anh viết về trà Việt sẽ thấy một người say mê cuộc sống như anh, và cảm nhận được từng hơi thở của cuộc sống tinh tế như anh, sẽ luôn quan tâm đến mọi khía cạnh của đời sống, từ quá khứ đến hiện tại.
Một nhận xét riêng mang tính trực cảm của tôi: rất kín đáo, tự sâu thẳm trong con người Trịnh Quang Dũng có một niềm tự hào chính đáng về các vị tiên tổ, về dòng họ của mình, nên trong khi nghiên cứu về các dòng trà VN, anh đã khơi lại dòng trà độc đáo, từng vang danh một thuở của các chúa Trịnh.
Thu Hà ghi
|
.
=============================
đăng bởi: e.whoiswho
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
rất mong được sự góp ý của các bạn, kiến thức là vô hạn...!!!