5 thg 2, 2012

Ưu tư từ ngôi chùa cổ Vĩnh Phước An (Bạc Liêu)


Trong lịch sử phát sinh và phát triển đờn ca tài tử miền Tây nói chung và của xứ Bạc Liêu nói riêng, sự đóng góp của quý vị Hòa thượng là rất lớn. Trong cuộc hội thảo khoa học "Sư Nguyệt Chiếu với sự nghiệp Nhạc lễ Cổ truyền Nam Bộ" năm 2007 tại thị xã Bạc Liêu, những bài tham luận đã ghi nhận điều này. Từ những bài tham luận trong hội thảo khoa học, một điều được ghi nhận, chùa không chỉ là nơi tu hành mà còn là một trong những địa điểm nuôi dưỡng những nhân tài cho xã hội, cụ thể là giới nghệ sĩ đờn ca tài tử xứ Bạc Liêu. Và, Vĩnh Phước An là một trong những ngôi chùa như thế.                                                        
Mặt tiền Chùa
                                                                 
Trong một chuyến về Bạc Liêu, chúng tôi đi thăm mộ nghệ sĩ Cao Văn Lầu và viếng chùa Vĩnh Phước An, ngôi chùa một thời góp công trong tiến trình xây dựng nên tên tuổi những vị nghệ sĩ đờn ca tài tử lừng danh, như Cao Văn Lầu, Sư Nguyệt Chiếu, Nhạc Khị,…
Từ trung tâm thị xã Bạc Liêu qua cầu Kim Sơn đến ngã tư rẽ vào đường Cao Văn Lầu, đi thêm khoảng một cây số nữa lại rẽ phải là đến khu mộ Cao Văn Lầu, đi thẳng thì vào chùa Vĩnh Phước An.
Đó là ngôi chùa nhỏ, vì bảng hiệu nhỏ, đường vào chùa cũng nhỏ, người đi lại cũng… quá ít, nhưng khi vào trong, chùa trông cũng thoáng đãng, mang vẻ tịch mặc, cổ kính. Khi vào chùa, tôi gặp những người coi sóc, hỏi thăm vị trụ trì thì họ bảo, chùa hiện nay không có ai trụ trì, chủ chùa là người nhà của vị trụ trì trước, anh Năm Nhan (Trương Văn Nhan). Ngài trụ trì mất và để lại ngôi chùa này cho ông ấy. Đây là ngôi chùa của gia đình, nằm trong hệ thống chùa của một đại gia đình ở vùng này.
Chùa nhìn chung, khá nhỏ, chỉ có chánh điện và nhà trai cùng bàn thờ tổ, nhưng được xây dựng kiên cố và tình trạng còn khá nguyên vẹn so với những ngôi chùa ra đời từ thế kỷ XIX.
Hiện nay, không ai biết chùa được xây dựng từ khi nào, chỉ biết đến khi Hòa thượng Huệ Quang về đây thì được sự trợ giúp của Phật tử để trùng tu lại. Khi tôi vào trong chánh điện thì nhìn thấy bên trái có một bàn thờ nhỏ, trên bàn thờ có thiết trí bài linh vị ghi tên bà Dương (?) Thị Anh, không ai biết tại sao bà được thờ ở đây. Nhiều người đoán bà là một phú hộ giàu có trong vùng. Bà là người phát tâm xây chùa này trước tiên, khoảng năm 1886. Có lẽ đây là bàn thờ của bà Hai Ên. Đi lui phía sau, trên bàn thờ tổ có rất nhiều bài vị thờ các nữ thí chủ, nhiều khả năng họ là những người cúng dường xây dựng, trùng tu chùa và khi mất thì thờ trên bàn thờ đặt cạnh bàn thờ tổ của chùa.                                                              
Chánh điện chùa Vĩnh Phước An
Giữa bàn thờ tổ là bài vị của Hòa thượng Thanh Trương Yên Hóa (1830-1903), sư phụ của Hòa thượng Huệ Quang, cùng với những vị Hòa thượng khác. Tổng cộng trên bàn thờ có 16 bài vị, có cái đọc được, cái không, chữ được chữ mất do bị mờ hay bị phủ lớp sơn mới. Nghe nói, chùa cũng lưu giữ một bản sắc phong, không biết của ai.
Vĩnh Phước An là ngôi chùa nổi tiếng một thời với những vị Hòa thượng chuyên về nghi lễ. Hiện nay, chùa còn lưu giữ khá đầy đủ pháp khí của trai đàn chẩn tế, như nhạc lễ: trống, kèn, tang, mõ, các bộ y hậu, mũ mão, giày (hia) của vị chủ sám, các bản khắc gỗ để in Phái quy y, các loại sớ điệp chẩn tế, sớ cầu an, cầu siêu, dâng sao giải hạn,… Những bản khắc gỗ in giấy sớ cầu an, cầu siêu vẫn được vị giữ chùa sử dụng để in cúng hàng ngày. Ngoài ra, chùa cũng còn lưu giữ những bức tượng Phật nhỏ, xâu chuỗi để vị chủ sám tung rải khi cúng chẩn tế. Đây là những thứ hiện dễ bị mất cắp nhất. Trong tủ kinh có những bộ Kinh, Luật chữ Hán cũ kỹ, lâu quá không ai mở ra coi ngó chăm sóc.
Trong các bài viết về những vị nghệ sĩ đờn ca tài tử nổi danh, tên của Hòa thượng Minh Bảo được nhắc đến. Thực tế, theo lời kể của anh chủ chùa, vị trụ trì thời kỳ này là Hòa thượng Huệ Quang. Hòa thượng về khi chùa trùng tu năm Giáp Thìn (1904). Ngài là một nhân vật nổi tiếng và có uy tín trong giới Phật tử thời bấy giờ và từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Trưởng lão Bạc Liêu. Ngài viên tịch vào năm Kỷ Dậu (1969).
Là người nổi tiếng về khoa chẩn tế, Ngài xây dựng đội ngũ kinh sư và những người chơi nhạc để phục vụ cho công việc cúng kiếng của mình. Chính sư Nguyệt Chiếu đã có thời gian về đây sống với Hòa thượng và tham gia vào đội ngũ kinh sư chẩn tế. Ngài nhận nghệ sĩ Cao Văn Lầu làm đệ tử khi cha mẹ ông từ Long An đưa đến chùa gởi cho Ngài dạy đạo. Cao Văn Lầu là một tay trống trong đội ngũ nhạc lễ. Họ hình thành nên một ê kíp kinh sư, lễ nhạc và đi nhận đám cúng trong vùng. Khi có đám, họ cùng nhau lo lễ, khi rảnh rỗi thì cùng nhau chơi nhạc. Trong ban lễ này Hòa thượng Huệ Quang là chủ sám của các lễ đàn, trong đó, sư Nguyệt Chiếu là kinh sư. Xét từ góc độ âm nhạc trong nghi lễ Phật giáo, người chủ sám là vị thông hiểu lễ nhạc nhất, vì đó là vị điều khiển toàn bộ buổi lễ, kinh sư là những người giữ vai trò phụ họa. Tất cả ban lễ nhạc đều thực hiện theo sự "chỉ đạo" của vị chủ sám. Nói theo từ chuyên môn của nhạc thì ngài chủ sám chính là nhạc trưởng. Nếu đúng như vậy, Hòa thượng Huệ Quang phải là một người rất giỏi về âm nhạc, nghi thức cúng lễ và là người có đức độ thì mới có thể tập hợp được những nhân vật xuất sắc như Nguyệt Chiếu, Cao Văn Lầu, Nhạc Khị,… để tham gia vào ban kinh sư, nhạc lễ của mình. Tuy nhiên, có lẽ do không có tài liệu gì để lại, cho nên đến nay không ai biết gì về vị chủ sám này. Trên bức tường chùa, hai bức tranh xưa có giá trị, anh Năm giới thiệu, một bức chụp bốn người mà anh chỉ nhận ra hai người ngồi giữa, bên trái là sư Nguyệt Chiếu, bên phải là sư trụ trì, hai phía ngoài không biết ai. Bức tranh cũ kỹ và giấy đã mục, mặc dù anh giữ rất kỹ. Một bức hình được lồng trong khung kính, giấy cũng đã mục, là hình Sư Nguyệt Chiếu. Đây là bức hình được sử dụng rộng rãi trong các bài viết về Sư Nguyệt Chiếu hiện nay.                                             
Thập điện Diêm vương

Như vậy, phong trào canh tân và hiệu đính nhạc cổ giai đoạn đầu thế kỷ có sự đóng góp rất lớn của các vị Hòa thượng, trong đó có Hòa thượng Huệ Quang, trụ trì chùa Vĩnh Phước An. Chùa là nơi nuôi dưỡng những tài năng cho nhạc cổ, cả về mặt kinh tế và nghệ thuật. Nói cách khác, từ góc nhìn này, ta thấy nhạc lễ Phật giáo làm nền tảng cho tiến trình xây dựng nên nghệ thuật đờn ca tài tử lừng danh xứ Nam Bộ. Thế nhưng, hiện nay, khi nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển nhạc cổ, đờn ca tài tử, chúng tôi chưa thấy ai quan tâm đến những vị Hòa thượng chuyên về cúng lễ, mặc dù đóng góp của họ không hề nhỏ.
Mặt khác, việc lên tiếng kêu gọi sự quan tâm đến số phận của ngôi chùa Vĩnh Phước An tới các cấp chính quyền lẫn những ban ngành liên quan đã có từ mấy năm trước cho đến nay vẫn chưa có kết quả gì. Tất nhiên, khi đến chùa, ai cũng công nhận những giá trị lịch sử văn hóa của ngôi chùa này đối với văn hóa Nam Bộ xứng đáng được ghi nhận, thế nhưng, có lẽ có những uẩn khúc gì nữa làm cho việc công nhận di tích văn hóa lịch sử của ngôi chùa này đến nay vẫn chưa được tiến hành. Có lẽ, chỉ có sự ưu tư của người chủ chùa này thôi thì không đủ để ngôi chùa có tên trong danh mục di tích lịch sử văn hóa tỉnh, mà cần có sự quan tâm của Tỉnh hội Phật giáo, cùng những ban ngành đoàn thể của tỉnh Bạc Liêu.
Hiện nay, anh Năm Nhan đã phát nguyện xuất gia ở chùa Khánh Sơn, Sóc Trăng, dự định tháng Tư này thọ giới Sa di. Hy vọng, sự phát nguyện này của anh sẽ mở ra trang mới cho ngôi chùa cổ này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

rất mong được sự góp ý của các bạn, kiến thức là vô hạn...!!!

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...